Măng nứa, măng loi, “lộc rừng” cải thiện đời sống cho người dân

Vào mùa thu hái măng nứa, măng loi, có gia đình sống ven đỉnh Pù Loi, Pù Hốc (Nghệ An) thu hái được cả tạ măng, bán cho thương lái thu về tiền triệu mỗi ngày.
bna-ngoan-1-1693838530.jpg
Ông Vi Văn Ngoan thu hái măng nứa.

Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, người dân các vùng ven đỉnh Pù Loi, Pù Hốc thuộc các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An)… lại bắt đầu vào mùa thu hái măng nứa, măng loi. Mỗi ngày, có gia đình thu hái được cả tạ măng, bán cho thương lái thu về tiền triệu. Nhờ “lộc rừng”, người dân có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện, nâng cao cuộc sống.

Nhọc nhằn nghề “đi măng”

Những ngày này, nhiều người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An lại tất bật chuẩn bị đồ nghề để lên rừng hái măng. Từ sáng tinh mơ, những con đường hướng về núi, dưới lấp lóa anh đèn, từng đoàn người mang đồ nghề nhằm hướng núi Pù Loi, Pù Hốc… thẳng tiến.

Từ 3 giờ sáng, ông Vi Văn Ngoan và vợ (bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đã trở dậy, với đèn pin đội đầu, vai mang gùi tự chế, con dao đi rừng, một cái liềm sắc bén. Đôi ủng ni-lông được xỏ vào chân, kéo kín qua đầu gối, thêm đôi găng tay bằng len và đùm cơm nắm muối vừng gói trong mo cau còn nóng hổi.

Chúng tôi hẹn gặp ông Vi Văn Ngoan, là người có kinh nghiệm hái măng rừng nhiều để tìm hiểu về nghề “đi măng” của ông cũng như những người dân nơi đây. Đón chúng tôi cũng vào đúng bữa cơm trưa, bữa cơm đãi khách của gia đình ông Ngoan là những món toàn măng như măng nấu canh nhái lá lốt, măng loi xào thịt và măng loi luộc chấm ruốc.

xuyen-rung-lay-mang-1693838783.jpg
Người dân xuyên rừng thu hái măng.

Bên mâm cơm, ông Ngoan chia sẻ: "Vợ chồng tôi đã có 15 năm đi hái măng rừng rồi. Hôm nay, có hẹn trước với các anh chị nên tôi đi sớm, về sớm. Chứ bình thường, vợ chồng tôi cứ 3 giờ sáng đi thì đến 3 giờ chiều mới xuống núi. Để kiếm được chục cân măng, cũng khá vất vả. Đổi bằng mồ hôi, nước mắt có khi là cả tính mạng". 

Vừa nói, ông vừa chìa bàn tay chằng chịt những vết sẹo ra như minh chứng cho những gì mình kể. Để hái được măng loi, những người khai thác măng như ông phải vượt đỉnh Pù Loi, có độ cao 900m so với mực nước biển, dốc đá dựng đứng, cây rừng chằng chịt.

Do đó, theo ông Ngoan, ngoài quen thuộc địa hình, đòi hỏi những người làm nghề hái măng như ông phải có sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ. Ngày nắng, đi rừng, leo núi thì mệt bở hơi tai nhưng những ngày chính vụ thu hoạch măng lại là mùa mưa nên vất vả gấp bội. Đường rừng trơn trượt, trời mau tối, vắt muỗi cắn… Không ít người đã gặp tai nạn trên đường đi hái măng vì đường dốc, trơn, khi xuống núi lại mang gùi măng nặng phía sau. Với những người đi hái măng như ông chuyện đứt tay, chảy máu, ruồi vàng, vắt, muỗi đốt sưng người thì như “cơm bữa”…

mang-rung-1-1693838811.jpg
Măng được người dân thu hoạch về.

Măng rừng thường mọc vào mùa mưa, trong các khu rậm rạp, đồi núi hiểm trở nên không ít người đi rừng trượt chân té ngã và lo nhất là mỗi khi mưa lũ về bất chợt. Vất vả, nguy hiểm nên đi hái măng rừng, người ta thường đi theo nhóm, ít nhất là 2 - 3 người để hỗ trợ nhau và chọn ngày nắng ráo.

Để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên này, những người khai thác măng rừng quy ước với nhau rằng, dù đi hái trước hay hái sau thì mỗi bụi măng như vậy có nhiều hay ít mậm măng thì cũng phải chừa lại 1-2 mậm để nó phát triển thành cây, thành bụi, để mùa măng sau lại đẻ ra những mậm măng khác. Còn nếu khai thác tận diệt thì măng sẽ dần tàn lụi, cạn kiệt thì thu nhập của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng…

Song song với đó, chính quyền địa phương, ban quản lý rừng phòng hộ cũng mở các lớp tập huấn hướng dẫn cách khai thác măng hiệu quả, cách bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi từ rừng cho người dân. Tổ chức ký cam kết không để xảy ra cháy rừng, không khai thác lâm sản phụ bừa bãi…

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ hái măng rừng

Ông Ngoan chia sẻ:" Đi rừng hái măng phải đi sớm, vì quãng đường xa, leo núi cũng tốn khá nhiều thời gian, rồi còn hái măng, bóc măng, luộc măng và quãng đường xuống núi nữa".

dac-san-mang-loi-1-1693838751.jpg
Sản phẩm măng loi.

Từ sáng tinh mơ, từng nhóm người với chiếc xe máy cũ với ánh đèn lấp loá vội vã trên những con đường vào rừng.

Trước đây, người dân chỉ đi hái măng làm thực phẩm phục vụ gia đình. Giờ đây, măng đã trở thành hàng hoá, có thương lái thu mua tận nơi, giá cả có lúc lên, lúc xuống. Măng cũng có mùa được mùa mất nhưng dù thế nào thì người hái măng cũng có lãi vì đây là loại măng mọc tự nhiên, không mất công chăm sóc, không mất kinh phí đầu tư… Bởi vậy, với người dân vùng miền núi, măng được xem là “lộc rừng”, đem lại “tiền tươi” cho người dân mỗi ngày.

Hơn 15 năm nay, cứ đến mùa măng là vợ chồng ông Ngoan bám rừng thu hoạch măng. Ngày nào khoẻ, thời tiết thuận lợi, vợ chồng ông cũng thu hái được 60 - 70kg măng nứa tươi, nhập cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg, thu về 700.000 đồng.

Đặc biệt, sau những đợt mưa rào, măng loi đội đất nhú mầm, người dân nơi đây lại mang đồ nghề leo đỉnh Pù Loi, vượt dốc đá lởm chởm để săn măng loi. Loại măng này được coi là đặc sản núi rừng, giá đắt gấp 4 - 5 lần măng nứa, có ngày, những người hái măng như ông kiếm được tiền triệu.

phoi-mang-1693838854.jpg
Ngoài bán tươi, người dân còn phơi khô măng để bán quanh năm.

Vừa phơi măng, bà La Thị Ân cho hay: Măng nứa thương lái thu mua cầm chừng, còn mất công luộc, phơi chứ măng loi vừa xuống núi đã có người chờ sẵn để mua. Với giá 50.000 đồng/kg, ngày nhiều cũng kiếm được 18 - 20kg măng.

Không chỉ đi rừng trong huyện để hái măng, người dân còn đi sang các huyện như Anh Sơn, Quỳ Hợp và Con Cuông… để khai thác măng.

Theo những người dân chuyên đi hái măng rừng chia sẻ, những chuyến đi măng, có khi là về luôn trong ngày, cũng có những chuyến kéo dài 2 - 3 ngày… Ngoài bán măng tươi tại chỗ, nhiều hộ còn sơ chế măng bằng cách luộc, phơi khô, giàng măng bằng khói bếp để thành sản phẩm măng khô, để tiêu thụ quanh năm với giá bán cao hơn, nhất là vào dịp Tết.

Trao đổi cùng phóng viên, ông La Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) cho biết: Mùa này, mỗi ngày có cả trăm hộ dân lên núi hái măng. Khai thác lâm sản phụ nhưng là nguồn thu nhập chính của đồng bào Thái ở xã Tiên Kỳ. Do măng dễ ăn, chế biến được nhiều món, từ luộc, xào, nấu canh, nấu lẩu, nấu chung với cá hay thịt, hầm xương… đều được, nên bán rất chạy. Chưa có thống kê chính xác về sản lượng măng người dân thu được hằng năm, nhưng có thể khẳng định, mỗi vụ măng đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân trong thời gian ngắn. Mùa măng kéo dài từ tháng Bảy đến hết tháng 10 âm lịch, trong thời gian này, hộ nào chăm chỉ, siêng năng thì cũng thu được hàng chục triệu đồng từ thu hái măng rừng.

Nguyễn Duyên