Lợi ích “kép” từ việc nuôi cua trong hộp nhựa

Từ việc nuôi cua quảng canh với nhiều rủi ro và hiệu quả thấp, vợ chồng chị Phan Thị Lý (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã chuyển sang đầu tư nhà, hộp nhựa để nuôi cua và thu được thành quả tích cực.
z4603800269905-5180186d4a95be0b833e9a79acf1ccf8-1693887965.jpg
Phương pháp nuôi cua trong hộp nhựa tiết kiệm chi phí, hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Làm liều” nuôi cua trong hộp nhựa

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển huyện Nghi Xuân, bố mẹ có truyền thống đi biển và nuôi tôm, cua nên chị Lý cũng quen với công việc nuôi trồng tôm cua từ nhỏ. Lập gia đình, chị vẫn tiếp tục việc nuôi cua và thu mua, chế biến hải sản. Người dân tại địa phương từ xưa tới nay cũng chỉ nuôi cua quảng canh vì phụ thuộc vào thời tiết.

Đầu năm 2023, vợ chồng chị Lý đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hơn 500 triệuđồng để nuôi cua trong hộp nhựa. Nhờ phương pháp nuôi cua mới lạ, chất lượng nên dù được thu mua với giá cao nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho khách. 

“Nuôi cua mang lại hiệu quả kinh tế khá, tuy nhiên vì nuôi trong môi trường tự nhiên nên khó kiểm soát dịch bệnh, chế độ ăn dẫn đến tỷ lệ con giống hao hụt. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi cua trong hộp nhựa mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro nên chúng tôi vay vốn đầu tư để làm mô hình”, chị Lý chia sẻ.

z4567930197555-3cdec4cff59f848f608ece30097dd10e-1693887938.jpg
Những con cua được nuôi trong hộp nhựa sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ít.

Theo chị Lý, chi phí nuôi cua khá cao, nhưng phụ thuộc vào môi trường tự nhiên rất rủi ro, tỷ lệ sống chỉ 50-60%. Cua nhạy cảm khi thay đổi thời tiết, dẫn đến dễ bị dịch bệnh, chết hàng loạt có lúc gia đình trắng tay. Qua tìm hiểu kỹ mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, nhận thấy đây là lĩnh vực tiềm năng, vợ chồng chị đã “làm liều” đầu tư, dù địa phương chưa ai làm.

Triển khai mô hình, vợ chồng chị xây dựng nhà xưởng 600m2, mua trang thiết bị, máy móc và thả nuôi hơn 1.200 cua giống; mua các thiết bị nhằm sục khí tạo oxy, bơm nước tuần hoàn, hệ thống lọc thức ăn, khử khuẩn bằng tia UV. Đây là dự án nuôi cua trong hộp nhựa đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh; mô hình độc đáo này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Chúng tôi đang dự định mở rộng diện tích nuôi, xây dựng hệ thống chăn nuôi thành khu tham quan trải nghiệm để thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Tới đây, khi Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tôi rất muốn được tiếp cận để đầu tư vào mô hình của mình”.
Chị Phan Thị Lý

Trại nuôi cua công nghệ cao được vợ chồng chị Lý đầu tư rất bài bản bằng hệ thống chuồng nuôi hộp nhựa. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật có chiều dài 40cm, rộng 22cm và cao 30cm được chia thành 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi 1 con. Để tiết kiệm chi phí nuôi, vợ chồng chị Lý đã sử dụng hạt nhựa kaldnes trong hệ thống tuần hoàn. Những hạt nhựa này có tác dụng lọc thức ăn thừa và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Chị Lý cho biết, hình thức nuôi cua trong hộp nhựa tuy vất vả hơn một chút nhưng bù lại, phương pháp này giúp trại cua của chị đạt tỷ lệ chất lượng hơn 90% (tăng 30% so với phương pháp truyền thống). Ngoài ra, người nuôi chủ động được thức ăn, nguồn nước đưa vào và theo dõi tình trạng cua hàng ngày; dễ dàng phát hiện nhanh bệnh và xử lý kịp thời, tránh tình trạng mất trắng.

Giống cua được chị Lý mua lại từ những người dân khai thác được tại các vùng nước lợ trên địa bàn. Cua giống tự nhiên có ưu thế là khỏe mạnh, ít dịch bệnh và sinh tưởng nhanh. Mỗi ngày, 1.200 con cua ăn hết khoảng 50 nghìn đồng tiền thức ăn, chủ yếu là cá trích, ngao, cua, vẹm…Thức ăn được cho vào từng hộp nên tránh tình trạng dư thừa, lãng phí thức ăn, không gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra còn kiểm soát được số lượng cua nuôi, ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh.

z4603800269795-a81b554a384a979b6c91b98cfc455b6a-1693888164.jpg
Trại nuôi cua công nghệ cao được vợ chồng chị Lý đầu tư rất bài bản bằng hệ thống chuồng nuôi hộp nhựa.

“Sau 2 tháng thả nuôi, cua lột đạt trọng lượng từ 300 - 400g/con. Lúc này cua đã đạt chất lượng và được bán ra thị trường. Còn cua gạch sau 3 tháng thả nuôi là xuất bán”, chị Lý cho biết.

Theo chị Lý, nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo đủ độ pH, độ mặn và nhiệt độ môi trường nước phù hợp, giao động từ 25 - 30 độ C. Bởi vậy, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, đo các chỉ số để có sự điều chỉnh kịp thời để bảo điều kiện sống tốt cho cua.

Là cơ sở đầu tiên tại Hà Tĩnh nuôi cua theo hình thức mới lạ này, sản phẩm có chất lượng tốt, kích thước đồng đều, thịt ngon nên được người tiêu dùng đón nhận; hàng có bao nhiêu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí còn “cháy hàng”. Hiện cua gạch được bán với giá từ 550 - 700 nghìn đồng/kg tùy thời điểm. Cua lột được bán với giá 700 - 850 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, cứ 500 con cua bán ra, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị Lý thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết, vợ chồng chị Lý là những người rất táo bạo trong việc đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương. Gia đình chị còn chú trọng sản xuất các sản phẩm OCOP những sản phẩm hải sản.

“Ở địa phương chúng tôi, người dân có truyền thống nuôi cua quảng canh trong ao nhưng hiệu quả không cao bằng mô hình này. Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của vợ chồng chị Lý là hình thức chăn  nuôi mới, là mô hình đầu tiên của địa phương và cũng là mô hình đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian qua, đã có khá nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh về tham quan học tập mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của chị Lý”, ông Hà cho biết.

Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa hứa hẹn là một hình thức nuôi trồng thủy sản mang lại lợi ích kép. Vừa dễ kiểm soát được môi trường vì nguồn thức ăn được kiểm soát và nguồn nước được xử lý kịp thời;  vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi nuôi cua trong hộp nhựa, tận dụng được diện tích mặt nước, tận dụng được đất đai. Với hình thức chăn nuôi này, người chăn nuôi kiểm soát tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích”.

(Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy,

Trưởng phòng quản lý NTTS, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh)

Nguyễn Duyên