Liên kết chuỗi công nghiệp điện tử Việt Nam đón làn sóng công nghệ toàn cầu

Việc kết nối và phát triển chuỗi cung ứng trong ngành điện tử sẽ góp phần mở rộng tăng cường kết nối, cung ứng các sản phẩm điện tử và thiết bị thông minh, thúc đẩy sản xuất các mặt hàng điện tử chất lượng cao ở Việt Nam.
cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-4-1723164843.jpg
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu của các ngành công nghiệp điện tử. (Ảnh minh họa)

Chủ động đón làn sóng công nghệ đang dịch chuyển vào Việt Nam

Công nghiệp điện tử nằm trong làn sóng công nghệ đang dịch chuyển vào Việt Nam, thúc đẩy việc định hình lại chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. Công nghiệp điện tử của Việt Nam có bước phát triển ấn tượng, là điểm đến đang được nhiều DN Trung Quốc hướng đến trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài, điều này mở ra cơ hội cho điện tử Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Điện tử và linh kiện là ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lớn, đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước những năm qua. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu điện tử và linh kiện của Việt Nam đã đạt 109 tỷ USD và xuất siêu 12 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất lĩnh vực này đã đạt 72,3  tỷ USD và xuất siêu 8 tỷ USD.

Nói về thực trạng chuỗi cung ứng của ngành điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, đóng góp của ngành công nghiệp điện tử rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cũng như cân bằng cán cân ngoại hối.

Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều nhập khẩu Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, do đó hoạt động giao thương giữa các DN điện tử Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn được tổ chức tại các Bộ, ngành, các hiệp hội và các DN. Trên bản đồ công nghệ thế giới, Việt Nam tự hào khi đứng thứ 5 trong xuất khẩu máy tính và linh kiện, đứng thứ 2 trong xuất khẩu điện thoại di động.

“Trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp điện tử, Việt Nam vẫn đang ở phần đáy của chuỗi với vị trí DN sản xuất, nên giá trị gia tăng khá thấp. Việc kết nối giữa các DN trong chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, là mục tiêu để công nghiệp điện tử Việt Nam nâng vị thế lên những phần có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng”, bà Hương cho biết.

cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-1-1723164907.jpg
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên BCH Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA).

Là DN Trung Quốc đang hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam, bà Dai Yican, Giám đốc kỹ thuật Công ty East Science Technology Việt Nam đánh giá, năng lực sản xuất của các DN Việt Nam nói chung, DN hoạt động trong ngành điện tử nói riêng rất ổn định và đặc biệt có sự sáng tạo rất lớn.

“Hiện nay nhiều DN Việt Nam đang có sự kết hợp với các DN nước ngoài, nên các tin tưởng rằng trong thời gian tới sự hợp tác này sẽ hộ trợ cho nhau tốt hơn nữa, từ đó DN Việt Nam có thể chiếm lĩnh được vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Dai Yican đánh giá.

Tăng cường kết nối thúc đẩy sản xuất các mặt hàng điện tử chất lượng cao

Dòng chảy đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử hiện nay đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt ngày trong năm 2024 từ những con số thống kê có thể thấy tiếp tục có những dự ná đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử ở những hạng mục công nghệ cao.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất, xuất khẩu mà cũng là thị trường tiêu thụ các sản phẩm điện tử thông minh và là thị trường rất tiềm năng cho các ngành này trong tương lai. Việc kết nối và phát triển chuỗi cung ứng trong ngành điện tử sẽ góp phần mở rộng tăng cường kết nối, cung ứng các sản phẩm điện tử và thiết bị thông minh, thúc đẩy sản xuất các mặt hàng điện tử chất lượng cao ở Việt Nam.

Từ thực tế này, Bộ Công Thương đề nghị cộng đồng DN Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường giao lưu hợp tác chia sẻ kinh nghiệp chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Đặc biệt, các DN Trung Quốc cần hỗ trợ các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-2-1723164939.jpg
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương).

Các DN, Hiệp hội điện tử Trung Quốc cần nghiên cứu, đề xuất các mô hình hợp tác đào tạo trong ngành, lĩnh vực điện tử cho Việt Nam, nghiên cứu về các mô hình hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với DN, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu sử dụng lao động của các DN, tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư tại Việt Nam.

“Bộ Công thương luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác, kết nối chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, giữa các DN trong khu vực nói chung. Hoạt động kết nối đảm bảo phù hợp với các chính sách quy định của Việt Nam, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế toàn cầu, khu vực đồng thời giúp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng phát triển lên tầm cao mới”, ông Sơn khẳng định.

cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-3-1723164968.jpg
Công nghiệp điện tử nằm trong làn sóng công nghệ đang dịch chuyển vào Việt Nam, thúc đẩy việc định hình lại chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Theo bà bà Đỗ Thị Thúy Hương, trong năm 2024 này, Hiệp hội VEIA đã tham gia 2 sự kiện điện tử tại Trung Quốc. Ngay trong tháng 11 tới, Hiệp hội sẽ đưa đoàn DN tham dự 1 triển lãm lớn tại Thâm Quyến, từ đó tạo cơ hội cho DN tham gia vào thị trường Trung Quốc.

Bà Hương cũng đề nghị các DN cần thường xuyên truy cập thông tin của Hiệp hội để nắm bắt các chương trình hỗ trợ dành cho DN, Hiệp hội rất mong được làm cầu nối tin cậy có hiệu quả đối với các DN trong nước với các thị trường nước ngoài,  đặc biệt là với thị trường Trung Quốc và khu vực châu Á./.

Bình Châu