Lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ (International Women’s Day)

Mặc dù ngày Quốc tế phụ nữ được kỷ niệm rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới hơn là ở nước Mỹ, thế nhưng nguồn gốc lại có sự bắt nguồn từ nước Mỹ
8-3-1646698068.jpg
Ảnh sưu tầm, nguồn Internet

Theo History.com, một phiên bản phổ biển về nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ thì nó được thành lập vào năm 1907, để đánh dấu kỷ niệm 50 năm cuộc biểu tình bị đàn áp tàn bạo của các nữ công nhân dệt may của thành phố New York. Nhưng có một vấn đề với câu chuyện đó: cả cuộc biểu tình năm 1857 hay lễ tưởng niệm 50 năm đều không thực sự diễn ra. Thực tế, nghiên cứu xuất hiện vào những năm 1980 cho rằng lời đồn đoán về nguồn gốc của ngày lễ này được phát minh vào những năm 1950, như một nỗ lực của Chiến tranh lạnh nhằm tách Ngày Quốc tế Phụ nữ ra khỏi nguồn gốc xã hội của nó.

iwd-8-3-1646698203.jpg
Ảnh sưu tầm, nguồn https://www.internationalwomensday.com

Nhà sử học Temma Kaplan đã xem xét lại Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên, được tổ chức tại thành phố New York ngày 28 tháng 02 năm 1909 (Các nhà tổ chức, thành viên của Đảng Xã hội Mỹ muốn nó diễn ra vào Chủ Nhật để những nữ công nhân có thể tham dự). Hàng ngàn người đã đến tham gia các sự kiện khác nhau gắn kết những người tán thành mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ và những nhà hoạt động xã hội, nhưng những mục tiêu của họ thường mẫu thuẫn với nhau. Nhà tổ chức lao động Leonora O’Reilly và những người khác phát biểu trước đám đông tại cuộc họp chính ở Murry Hill Lyceum, tại số 34 Street và Third Avenue. Ở Brooklyn, nhà văn Charlotte Perkins Gilman nói với giáo đoàn của Nhà thờ Parkside: “đúng là nhiệm vụ của một người phụ nữ tập trung vào gia đình và thiên chức làm mẹ… nhưng “gia đình” ở đây có nghĩa là cả đất nước này và không nên bị giới hạn trong 3 hay 4 phòng hoặc một thành phố hay một bang”.

Khái niệm “ngày của phụ nữ” bắt đầu phổ biến ở Châu Âu. Ngày 19 tháng 3 năm 1911 (kỷ niệm 40 năm Công xã Paris năm 1871), ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên được tổ chức, thu hút và tập hợp được hơn 1 triệu người trên toàn thế giới. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra năm 1914, hầu hết các nỗ lực cải cách xã hội đều bị dừng lại, nhưng phụ nữ tiếp tục tuần hành và biểu tình vào ngày Quốc tế Phụ nữ.

Đáng chú ý nhất, một cuộc biểu tình lớn dẫn đầu bởi nhà nữ quyền người Nga Alexandra Kollontai bắt đầu vày ngày 23 tháng 02 năm 1917 (theo lịch của Nga; đó là ngày 08 tháng 3 theo lịch phương Tây) đã chứng minh mối quan hệ trong chuỗi các sự kiện dẫn đến sự thoái vị của Sa Hoàng Nicholas II và Cách mạng Nga.

8-3-1917-1646701606.jpg
Biểu tình của phụ nữ Nga ngày 8/3/1917

Để ghi nhận tầm quan trọng của sự kiện đó, Vladimir Lenin, người sáng lập Đảng Cộng sản Nga, đã tuyên bố Ngày Phụ nữ trở thành ngày lễ chính thức của Nga vào năm 1917. Các nhà cộng sản ở Tây Ban Nha và Trung Quốc sau đó cũng công nhận ngày lễ này. Cho đến giữa những năm 1970, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức chủ yếu ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Năm 1975, được công nhận là Năm Quốc tế Phụ nữ, Đại hội đồng Liên hợp Quốc  bắt đầu kỷ niệm ngày 08 tháng 3 là ngày Quốc tế Phụ nữ. Đến năm 2014, ngày lễ này được tổ chức ở hơn 100 quốc gia và đã trở thành ngày lễ chính thức của hơn 25 quốc gia.

Qua nhiều năm, nhiều lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ đã khác xa ý nghĩa chính trị của nó. Ví dụ, ở Argentina, nó được thương mại hóa bằng việc những người đàn ông sẽ mua hoa và quà cho những người phụ nữ xung quanh mình. Ở Trung Quốc, mặc dù có lịch sử kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ từ lâu, các sự kiện của ngày lễ gần đây tập trung vào  các sự kiện mua sắm hoặc làm đẹp.

Do có mối quan hệ gần gũi với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Ngày Quốc tế Phụ nữ không phổ biến ở Hoa Kỳ như những quốc gia khác.