Lễ hội Chùa Hương năm nay sẽ diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4/2023 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng ba âm lịch năm Quý Mão). Ngày khai hội là ngày 27/1, tức ngày mùng 6 tháng giêng, nhưng Ban tổ chức mở cửa đón khách từ hôm nay, mùng 2 Tết Quý Mão. Lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới để đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách về với miền đất Phật. Trong đó, Ban quản lý Lễ hội Chùa Hương đặc biệt chú trọng đến công tác quảng bá hình ảnh Khu di tích thắng cảnh Chùa Hương thân thiện, mến khách đến với đông đảo khách thập phương.
Trước mùa lễ hội, gia đình chị Nguyễn Thuý Nga, thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã thuê thợ bảo dưỡng, sơn sửa 10 chiếc thuyền, chuẩn bị đón khách đến với lễ hội Chùa Hương sau 3 năm phải tạm dừng do dịch Covid- 19. Chị Nga cho biết," làm nông quanh năm hoặc lái đò đưa khách đi chụp ảnh trên Suối Yến vào các mùa hoa, nhưng thu nhập cũng không bằng 3 tháng phục vụ khách thập phương du xuân lễ hội Chùa Hương:
Nguồn thu nhập chính của tôi là về phục vụ lễ hội Chùa Hương này mà được đón khách lại thì chúng tôi thu nhập rất ổn định của mỗi một người trong gia đình tôi. Mấy hôm nay là tôi đã huy động toàn bộ người trong gia đình để lau dọn thuyền đò, nhà cửa để phục vụ và đón khách lễ hội Chùa Hương", chị kể.
Sau ba mùa lễ hội gần như tê liệt vì Covid-19, lễ hội chùa Hương năm nay khai hội mùng 6 Tết Quý Mão như thường lệ, tuy nhiên, Ban Tổ chức mở cửa đón khách từ mùng 2 Tết. Lễ hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội là lễ hội kéo dài nhất cả nước. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội khẳng định: Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 có chủ đề “An toàn- Văn minh- Thân thiện" với nhiều điểm mới. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho lễ Khai hội đã hoàn tất, sẵn sàng đón du khách về lễ Phật- du xuân, trẩy hội.
"Chúng tôi cũng rất quan tâm vấn đề an ninh trật tự và cũng thành lập 15 chốt trạm để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự và mỗi tổ trạm cũng có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn các du khách để đi lại thuận lợi và cũng nhắc nhở du khách không nên tập trung vào chỗ đông người, gây khó khăn trong lúc đi du xuân, lễ hội", ông nói.
Điểm nổi bật của lễ hội Chùa Hương năm nay là Ban Tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Bên cạnh đó, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp. Đồng thời, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội.
Năm nay, Công ty Cổ phần Chùa Hương Xanh xây dựng tuyến và đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn non nước hữu tình, với mây vờn núi. Người tham gia phục vụ du khách được tập huấn thể hiện nét văn minh, lịch thiệp với du khách về trẩy hội. Công tác an ninh trật tự, vận chuyển du khách trên dòng Suối Yến cũng được chú trọng. Đồng thời, kiên quyết xử lý các hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định của Ban Tổ chức lễ hội như phải niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết. Trên các tuyến đường vào khu di tích Hương Sơn phải đảm bảo thông thoáng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Theo đó, về vé gửi xe và vé xe điện di chuyển tại lễ hội, khách mua vé điện tử và chuyển sang xe điện di chuyển vào bến đò Suối Yến nếu đi từ cổng Hội Xá. Cổng chợ Dầu từ Ứng Hòa - Cổng Tiên Mai năm nay không bán vé như mọi năm, khách đi thẳng vào bến xe chính. Vé xe điện có giá 10.000 đồng/người/lượt, đồng giá cho các tuyến. Giá vé tham quan thắng cảnh và xuồng đò là 130.000 đồng/người. Vé gửi ô tô bán theo giờ, có giá dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/giờ. Ban tổ chức cũng niêm yết giá dịch vụ xuồng, đò. Tuyến đò đi Hương Tích có giá 50.000 đồng/người/2 lượt. Tuyến đò đi Long Vân - Tuyết Sơn có giá 30.000 đồng/người/2 lượt.
Theo Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn: hiện có 4.500 xuồng, đò đã được huy động nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển trên suối Yến của du khách. Các hành vi chèo kéo, ép giá, tranh giành khách, đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan… sẽ được kiểm soát, xử lý nghiêm, do có 4 tổ an ninh trật tự, thường trực tại các điểm trọng yếu, như: Khu vực Thiên Trù - Hương Tích - Giải Oan, khu vực bến đò Thiên, khu vực đền Trình - bến Yến, khu vực trung tâm xã Hương Sơn - tuyến chùa Thanh Sơn - Long Vân - Tuyết Sơn. Bên cạnh các phương án đảm bảo an toàn, an ninh, ban tổ chức lễ hội chùa Hương sẽ hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định, tránh tình trạng đặt tiền lễ, công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích.
Trưởng Ban quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: Yêu cầu đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân du xuân, đi lễ, bên cạnh đó, để người dân hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch và lễ hội. Đây là những tiền đề để đặt mục tiêu đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh trong suốt mùa lễ hội./.