Lễ hội cầu ngư Vạn Vỹ - mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng Bắc Bộ

Lễ cầu ngư – một ngày hội lớn của người dân Vạn Vỹ, với ước nguyện cho một năm mưa thuận gió hoà, người dân làng đánh bắt được thêm nhiều tôm, cá… phong phú về đời sống văn hóa. Đó không chỉ là việc lễ hội mang ý nghĩa cầu ngư mà còn được thể hiện các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc.
le-cau-ngu-dnktx8-1739165625.JPG
Mâm cúng thần linh để chuẩn bị ra sông lấy nước.

Đặc sắc Lễ rước nước trên sông vào đêm

Từ xa xưa làng chài Vạn Vỹ là bãi nổi, nơi giao nhau của 03 con sông chính là: sông Hồng-sông Nhuệ-sông Đáy. Dấu vết lịch sử còn lại là hệ thống đầm lầy Bát Lang thuộc hạ Mỗ là nơi tiếp giáp xã Hồng Hà ngày nay.

Làng chài Vạn Vỹ nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Hàng năm cứ từ ngày 13 tháng Giêng đến ngày 25/2 âm lịch, không khí trong làng lại thêm rộn ràng. Trên khắp các đường làng ngõ xóm, nhà nhà người người chung tay tổ chức Lễ cầu ngư – một ngày hội lớn của làng, với ước nguyện cho một năm mưa thuận gió hoà, người dân làng đánh bắt được thêm nhiều tôm, cá.

le-cau-ngu-dnktx9-1739165807.jpg
Đoàn rước ra sông lấy nước.

Để chuẩn bị cho ngày hội lớn, người dân trong làng chài Vạn Vỹ đã nô nức góp công, góp sức để ngày khai hội từ chiều đêm ngày 12 âm lịch cho tới rạng sáng ngày 13 âm lịch thành công trọn vẹn. Lòng người hân hoan, háo hức khiến không khí ngôi làng thêm vui tươi, rộn ràng trong ngày đầu xuân mới.

Vốn dĩ dân trong làng Vạn Vỹ hầu hết là ngư dân, nhưng đến nay có nhiều chuyển biến, có người vẫn lựa chọn gắn bó với nghề chài lưới nhưng có người lại di cư lên đất liền lập nghiệp. Vậy nên Lễ cầu ngư đến nay không chỉ dừng lại ở việc cầu ngư mà còn là cầu cho dân làng Vạn Vỹ bách nghề, bách thắng, dưới thuỷ hay trên bộ đều làm ăn thuận lợi. Năm nay, thời điểm khai hội, tiết trời trong xanh hửng nắng thuận lợi cho việc hành lễ được suôn sẻ khiến lòng người càng vui hơn.

Theo anh Nguyễn Sinh ở cụm 10, xóm Thắng Lợi chia sẻ: Lễ hội rước nước đêm được tổ chức vào giờ Tý ngày Mười Hai tháng Giêng âm lịch thực sự mang lại cho người dân và du khách một cảm nhận về một bữa tiệc của ánh sáng và cảm xúc.

le-cau-ngu-dnktx1-1739165868.jpg
Khoảng 20 con thuyền rồng rắn ra sông lấy nước.

Hàng năm một bình nước quý và một mâm cát sạch được lọc, chọn để thay tại đình. Từ 13h chiều ngày 12 âm lịch, đoàn thuyền Rồng gồm 1 thuyền lớn và khoảng 20 thuyền nhỏ xuất phát từ bến đình làng Vạn Vỹ, di chuyển ngược lên miếu Đình Nguyên (Mê Linh) làm lễ lấy nước trên sông. Khi nhận được nước đem về, đoàn Thuyền rồng xoáy quanh thuyền Rồng, quay – quẫy 3 vòng rồi mới quay về Đình. Múa rồng để nghênh đón, các hoạt động văn hóa, biểu diễn văn nghệ được diễn ra cho đến giờ Tý – thời khắc chuyển giao ngày mười hai sang ngày mười ba thì Lễ rước nước trên sông được khởi hành.

Các Cụ bô lão tham gia chủ tế và đoàn tế. Các nam thanh khỏe mạnh được lựa chọn rước kiệu, hương án từ đình ra thuyền Rồng và ngược lại. Thuyền chủ đi đầu là đầu Rồng, các thuyền, đò đi sau thành thân Rồng. Thuyền chủ tế rực ánh sáng rõ sắc màu của cờ, trang phục đoàn tế rước và âm thanh của chiêng trống. 20 thuyền đò theo sau với cờ và đuốc, tiếng hò reo… không khí; ánh sáng, màu sắc và âm thanh tạo lên một hình ảnh của Rồng thiêng quẫy nước ra biển lớn, của hào khí các nghĩa quân Yết Kiêu thời nào, dựng nên khí phách và trang sử hào hùng thời mở và giữ nước Việt xưa.

le-cau-ngu-dnktx11-1739166172.jpg
Thuyền đầu Rồng, thuyền thân Rồng, thuyền chủ tế rực ánh sáng rõ sắc màu của cờ, trang phục đoàn tế rước và âm thanh của chiêng trống…

Khoảng 2 tiếng thì đến Thanh Điệp – Mê Linh. Đoàn dừng lại làm lễ, các thuyền ngắt tiếng máy. Cát từ mâm được đưa và các lư hương. Chủ lễ múc từng gáo nước thiêng giữa dòng, nghiêng vào bình thiêng. Lễ được bắt đầu với bài tế cầu mong cho đất nước bình yên, cho Vạn Vỹ khấm khá hơn, đỡ vất vả hơn trong năm tới. Tuyệt nhiên không nghe thấy một câu khấn thật giàu hay thăng quan tiến chức mà tai vẫn thường nghe thấy tại những nơi mọi người sì sụp cầu khấn thần linh. Vạn Vỹ bình dị trong cả lời khấn cầu. Cầu mong thần linh phù hộ Vạn Vỹ.

le-cau-ngu-dnktx10-1739166133.JPG
Chủ lễ múc từng gáo nước thiêng giữa dòng, nghiêng vào bình thiêng

Từng thuyền bám đuôi nhau theo thuyền Rồng chủ, quay 3 vòng nơi tế lễ rồi quẫy – quẩy tưng bừng sắc vàng – đỏ, chiêng trống, những bó đuốc được xoay, vung bung tàn đỏ… tất cả được soi bóng trên dòng sông và tâm khảm của dân làng và khách thập phương dự lễ. Rồng thiêng Vạn Vỹ quay về đình trong cảm xúc nao nao, lâng lâng, chỉ muốn lên tận cao để nhìn thấy, lưu lại những hình ảnh của Rồng thiêng Vạn Vỹ quẫy cảm ơn Trời – Đất nghiệm linh, phù hộ.

le-cau-ngu-dnktx3-1739166087.JPG
Các cụ cao niên, đại diện ban tổ chức làm lễ

Đang làm hồ sơ để công nhận Lễ hội Làng Vạn Vỹ là di sản phi vật thể cấp quốc gia

Trao đổi với chúng tôi, cụ Trần Việt Lượng – Trưởng Ban Quản lý di tích Đình Vạn Vỹ cho biết: “Lễ hội này có giá trị lưu truyền từ đời nọ đến đời kia theo truyền thống của các cụ từ xa xưa. Lễ hội có giá trị tinh thần là mỗi khi có lễ hội đầu xuân như thế này là tất cả bà con cùng tề tựu về đây để cùng nhau tổ chức lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà có sức khỏe. Trong đời sống của chúng tôi bây giờ 95% mọi người vẫn sống bằng nghề sông nước, nếu ai có điều kiện thì mua tàu nên giá trị văn hóa được các cụ để lại vẫn được người dân làng Vạn Vỹ duy trì và phát huy”.

le-cau-ngu-dnktx2-1739165597.JPG
Lễ được bắt đầu với bài tế cầu mong cho đất nước bình yên, cho Vạn Vỹ khấm khá hơn, đỡ vất vả hơn trong năm tới.

Từng chiếc thuyền trong thời khắc vui hội cứ nối đuôi nhau rời bến mang theo mong ước “thuận chèo mát mái” như khát vọng ấp ủ suốt bao đời của những ngư dân chất phác. Khi nhận đủ lượng nước thiêng, đoàn thuyền xoay quanh thuyền rồng, quay nhiều vòng rồi mới về đình. Bình nước thiêng sau khi được rước về đình cũng được đặt trang trọng để người dân hương khói, thờ phụng cẩn thận cho đến mùa lễ sau.

le-cau-ngu-dnktx-1739166239.JPG
Đoàn thuyền hội rước uốn lượn trên sông.

Khi đám rước trở về đình trên sông cũng là lúc ánh bình minh trải những tia nắng ban mai trên mặt nước sông. Đến đây hội rước tiến hành nghi thức tế lễ yên vị. Nghe kể, xưa hội rước trên sông kéo dài đến mãi tận 5h ngày hôm sau, nay kết thúc sớm hơn nhưng mọi việc vẫn được diễn ra trật tự, tôn nghiêm.

Theo ông Trần Văn Hải – trưởng Ban tổ chức Lễ hội đình làng Vạn Vỹ (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) hồ hởi chia sẻ: “Lễ hội làng Vạn Vỹ có nét đặc sắc riêng không nơi nào có được với đặc trưng của việc lấy nước trên sông thì du nhất có làng Vạn Vỹ có truyền thống từ xa xưa. Và đặc biệt chỉ riêng ở di tích lịch sử đình làng Vạn Vỹ là tổ chức rước vào ban đêm”.

le-cau-ngu-dnktx4dnktx-1739166271.JPG
Lễ hội Vạn Vỹ có giá trị lưu truyền từ đời nọ đến đời kia theo truyền thống của các cụ từ xa xưa.

Các cụ cao niên trong làng cũng kể lại rằng, sau ngày khai hội ở làng chài Vạn Vỹ, cứ đều đặn hàng năm từ ngày 20 đến ngày 22 tháng hai âm lịch sẽ tiến hành lễ xuống lưới. Từ ngày 23 đến ngày 25 tất thảy người làng sẽ giong thuyền đi đánh cá. Trong thời gian này, mọi ngư dân đều phải để lại con cá to nhất để cúng Hà Bá. Gia đình nào có cá to nhất làng được chọn làm vật cúng thần, đó là vinh dự lớn.

le-cau-ngu-dnktx5-1739166052.JPG
Đoàn Thuyền rồng xoáy quanh thuyền Rồng, quay – quẫy 3 vòng rồi mới quay về Đình.

Vào ngày hội tất cả con cháu, dâu, rể, nội, ngoại làng chài Vạn Vỹ dù bận bịu công việc hay làm ăn xa đều thu xếp về dự hội và mỗi nguời đề mong muốn đóng góp công sức của mình để lễ hội được thành công tốt đẹp​.

le-cau-ngu-dnktx7-1739166351.JPG
Du khách hồ hởi tham gia lễ hội.

Những năm gần đây, cuộc sống của nhiều gia đình ở Vạn Vỹ (thuộc 2 xã Trung Châu và Hồng Hà, huyện Đan Phượng) đổi thay rõ nét, nhà cửa khang trang, đời sống ngày càng ổn định, sung túc. Đời sống kinh tế, xã hội chuyển mình rõ nét nhưng Lễ cầu ngư và những phong tục truyền thống tốt đẹp xưa vẫn được người dân Vạn Vỹ gìn giữ, bảo tồn.

le-cau-ngu-dnktx6-1739166386.JPG
Chóe nước thiêng được được rước về đình.

Dường như hương vị của mùa xuân trên những ngôi làng chài ven chân sóng đọng lại lâu hơn, bởi sự sôi động, phong phú về đời sống văn hóa. Đó không chỉ là việc trẩy hội mùa xuân mang ý nghĩa cầu ngư mà còn được thể hiện qua các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian. Chính bởi truyền thống văn hóa đặc sắc được người dân gìn giữ lưu truyền qua nhiều thế hệ, Ban tổ chức Lễ hội và lãnh đạo địa phương đang đệ trình hồ sơ để công nhận Lễ hội Làng Vạn Vỹ là di sản phi vật thể cấp quốc gia./.

Trần Minh - Huyền Trang