Lạng Sơn triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu; đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công… là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh Lạng Sơn đề ra trong những tháng cuối năm 2024.
4-1728566551.jpg
Hoạt động tại khu kinh tế cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn (ẢNh: Quang Huy)

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế 

Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn cho thấy, kinh tế có nhiều điểm sáng, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch, thu ngân sách tăng mạnh so với cùng kỳ; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý đầu tư công đảm bảo thời gian, đúng mục tiêu, cơ cấu, định mức và danh mục. Các nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ được triển khai hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tiến độ sản xuất cơ bản đạt kế hoạch đề ra, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước 94.375 ha, đạt 99,5% kế hoạch, tăng 0,56% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực ước trên 320,6 nghìn tấn, đạt 104,5% kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Diện tích trồng cây lương thực và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao có chiều hướng tăng. Tổng diện tích trồng rừng tập trung ước thực hiện 9.000 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,1% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán 4,5 triệu cây, đạt 202,4% kế hoạch…

Đồng thới, sản xuất công nghiệp; thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục đà phục hồi. Đã thành lập 3 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp của tỉnh lên 10 cụm; đưa Nhà máy thuỷ điện Bản Nhùng phát điện thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước 27.068,7 tỷ đồng, đạt 66,85% kế hoạch, tăng 12,86%. Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thông suốt, an toàn; tổng doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước 1.890,7 tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ.

Tiếp đó, các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế cửa khẩu được tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Tính đến ngày 29/9/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 46.362,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ. 

2-1728567133.jpg
Chiến sĩ Biên phòng làm nhiệm vụ tại khu kinh tế cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn.

Đáng chú ý, công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường tăng so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Lạng Sơn thành lập mới 984 doanh nghiệp, đạt 164% kế hoạch, tăng 103% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 7.835,5 tỷ đồng, tăng 105,6%; có 175 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn tỉnh có 5.091 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 58.914 tỷ đồng, 780 chi nhánh, văn phòng đại diện; thành lập mới 46 hợp tác xã.

3-1728485210.jpg
Bãi xe của nước bạn Trung Quốc ( Ảnh: Quang Huy)

Công tác cải cách hành chính được tăng cường; đã tổ chức các hội nghị phân tích và đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Các phong trào thi, khen thưởng được đẩy mạnh. Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, thẩm định của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 33 xã, thị trấn thuộc các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Tràng Định, Cao Lộc, Văn Lãng là xã An toàn khu; 3 huyện Bình Gia, Văn Quan và Tràng Định là vùng An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Tiếp đến, công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước được thực hiện quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm, kết quả tổng thu và tổng chi ngân sách 9 tháng đều tăng cao so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước 7.353,5 tỷ đồng, đạt 98,2% dự toán, tăng 29,8%, trong đó thu nội địa 2.148 tỷ đồng, đạt 86,4% dự toán, tăng 12,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.200 tỷ đồng, đạt 104% dự toán, tăng 39,1%; các khoản huy động, đóng góp 5,5 tỷ đồng, bằng 35,2% cùng kỳ…

Hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục được tập trung tổ chức triển khai tích cực; đã phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo quy định, đảm bảo thời gian, đúng mục tiêu, cơ cấu, định mức và danh mục, đạt 99,5% kế hoạch (năm 2023 đạt 81,5%). Kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cơ bản đạt tiến độ, giá trị khối lượng thực hiện các dự án ước 2.042,3 tỷ đồng, đạt 51,7% kế hoạch; kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước ước 1.950,2 tỷ đồng, đạt 49,4% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân cao hơn 1,5% so với cùng kỳ…

Công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm được tập trung thực hiện quyết liệt. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 4.090 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, tương đương cùng kỳ; xử phạt vi phạm hành chính 3.326 vụ với tổng số tiền 32,21 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Đã khởi tố 293 vụ, bằng 103,9% cùng kỳ; 417 đối tượng, bằng 100,48% cùng kỳ.

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đúng quy định. Các nhiệm vụ về khoa học và công nghệ được triển khai hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững…

Đồng bộ các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững

Để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế các tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục các khó khăn, thách thức.

Cụ thể, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả, thiệt hại do bão số 3 gây ra, tập trung khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông lâm nghiệp, ổn định đời sống; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh cho người, cây trồng, vật nuôi sau bão, lũ, ngập úng. Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại do bão số 3 gây ra bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo quy định.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh về nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Xây dựng Chương trình hành động thực hiện kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựngthương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp…

Đặc biệt, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các khu chức năng, khu vực cửa khẩu. Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khuvực mốc 1119-1120, 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương phía Trung Quốc nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thống nhất các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra ùn tắc hàng hóa, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm giáp Tết Nguyên đán.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, các huyện, thành phố (DDCI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong sản xuất, kinh doanh, giảm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể.

Ngoài ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn…/.

Quang Huy