Những ngày này, làng truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng tất bật làm các khâu từ luộc gừng, rim gừng đến đóng gói mứt gừng thành phẩm để kịp bán ra thị trường Tết. Mứt gừng Mỹ Chánh nổi tiếng có vị thơm, cay nồng, màu gừng tự nhiên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng.
Theo Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh, nghề làm mứt gừng cung ứng cho thị trường Tết đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ và lao động địa phương. Vụ Tết năm nay, làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh sản xuất khoảng 60 tấn, tổng doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập từ 180.000 - 300.000 đồng/ngày.
Làng nghề truyền thống nem, chả Chợ Sãi ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong cũng đã vào cao điểm sản xuất để cung ứng cho thị trường Tết. Nem, chả Chợ Sãi là một trong những đặc sản ẩm thực của Quảng Trị bởi mùi vị thanh mát, thấm đậm ít có nơi nào có được. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tất cả hộ làm nem, chả đều cam kết với cơ quan chức năng không sử dụng phụ gia, hóa chất trong chế biến và bảo quản. Mỗi năm làng nghề cung ứng cho thị trường khoảng hơn 25 tấn nem, chả; trong đó, phần lớn là vào dịp Tết Nguyên đán. Với giá bình quân khoảng từ 150.000 - 220.000 đồng/kg tùy loại, các hộ ở làng nghề này có doanh thu hàng tỷ đồng.
Tương tự, làng nghề truyền thống làm bánh chưng, bánh tét Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng cũng “hối hả” vào vụ Tết. Làng Đại An Khê có khoảng 20 hộ nấu bánh với quy mô lớn, trung bình mỗi hộ nấu từ 300 – 500 cái bánh chưng, bánh tét mỗi ngày để bán ra thị trường Tết. Mỗi cặp bánh, bánh tét chưng có giá từ 50.000 - 55.000 đồng. Làng nghề truyền thống làm bánh ướt Phương Lang ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng bình quân mỗi ngày cung ứng cho thị trường khoảng 2.400kg, mang lại doanh thu hàng chục triệu đồng/ngày; đồng thời, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã điều tra, khảo sát các làng nghề truyền thống để xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp người dân vừa duy trì được nghề truyền thống vừa nâng cao thu nhập./.