Lần đầu tiên tổ chức Festival nâng tầm giá trị hạt muối, tôn vinh nghề muối Việt Nam

Festival Nghề Muối Việt Nam-Bạc Liêu năm 2024 - lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu từ ngày 26-28/12 với các hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức, thể hiện được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhằm tôn vinh và bảo tồn nghề muối Việt Nam.
nghe-muoi-viet-nam-4-1720171310.jpg
Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. (Ảnh minh họa)

“Hành trình trăm năm nghề muối - Đời người” nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam

Tại buổi họp báo ngày 4/7, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết Festival nghề Muối Việt Nam-Bạc Liêu năm 2024 “Hành trình trăm năm nghề muối - Đời người” có chủ đề Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam.

Festival muối năm 2024 được tổ chức với các hoạt động phong phú, đa dạng và hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức, thể hiện được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhằm tôn vinh và bảo tồn nghề muối Việt Nam, cũng như quảng bá, giới thiệu, xây dựng hình ảnh đặc trưng, thế mạnh của các sản phẩm muối và nghề muối ở Bạc Liêu và cả nước.

Ngoài lễ khai mạc và bế mạc, Festival còn có Chương trình khảo sát thực tế cánh đồng muối tỉnh Bạc Liêu và Lễ khánh thành dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải; Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển lãm thương mại các tỉnh, thành, doanh nghiệp, hợp tác xã (lồng ghép với “Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024).

nghe-muoi-viet-nam-1-1720171356.jpg
Cánh đồng muối tại xã Long Điền Đông (Đông Hải, Bạc Liêu). (Ảnh: TTXVN)

Tại Festival nghề Muối Việt Nam-Bạc Liêu còn có các hoạt động “Về Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử”; Không gian trưng bày các mô hình, hiện vật, các tiến bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến muối; các tour tham quan các điểm du lịch, di tích lịch sử và tổ chức hội thảo “Định hướng và các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch muối Bạc Liêu;” Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh muối và Hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Theo Ban Tổ chức, Festival lần đầu tiên liên quan đến muối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức, sẽ mời khoảng 50 đại biểu Trung ương, 250 đại biểu các tỉnh, thành, các tổ chức quốc tế và khoảng 500 đại biểu trong tỉnh tham dự lễ khai mạc và bế mạc cùng các hoạt động liên quan.

Nghề làm muối có truyền thống lâu đời với những giá trị kinh tế, văn hóa đặc biệt

Ngành Muối Việt Nam phát triển từ nghề làm muối có truyền thống lâu đời nhờ đường bờ biển dài hơn 3.000km kéo dài từ Bắc vào Nam cùng khí hậu nhiệt với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và gió mạnh là những yếu tố thuận lợi cho sản xuất muối.

Việt Nam hiện có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối nhưng diện tích sản xuất muối tập trung chính ở các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa…

Sản phẩm muối Việt Nam được tiêu thụ trong nước với 2 mục đích chủ yếu là phục vụ nhu cầu sinh hoạt và dùng làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp như công nghiệp hóa chất, công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm, y tế.

Để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHT ngày 24/02/2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.

Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành muối Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án được thực hiện trên địa bàn 8 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.

nghe-muoi-viet-nam-2-1720171388.jpg
Diêm dân Bạc Liêu thu hoạch muối. (Ảnh: TTXVN)

Là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước với sản lượng hơn 15.000 tấn/năm, Bạc Liêu nổi tiếng với hạt muối có vị đậm đà rất riêng biệt. Không trắng trong như hạt muối ở miền Trung, hạt muối Bạc Liêu có màu trắng hồng mang đậm hương sắc đặc trưng của nước biển phù sa.

Từ các cửa lớn, dòng phù sa của sông Mekong đổ ra biển và một phần trong đó đã tích tụ lại tại ven biển Bạc Liêu. Chính vì điều kiện tự nhiên này, hạt muối Bạc Liêu khô chắc, không tạp mùi và có hàm lượng magiê, canxi, sunfat, ... thấp, không gây vị đắng, chát. Hương vị của muối Bạc Liêu cũng vì thế mà nổi tiếng xa gần.

Bên cạnh giá trị kinh tế, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa giá trị văn hóa đặc biệt. Nơi đây được xem là “thủ phủ muối” của Việt Nam. Những câu chuyện xung quanh nghề làm muối và hạt muối Bạc Liêu có giá trị hữu hình và tiềm năng phát triển du lịch.

Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia./.

Bình Nguyên