EU là thị trường xuất khẩu truyền thống lớn thứ 2 của Việt Nam khi chiếm 10-15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA) 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi có hiệu lực. Đây là động lực lớn cho ngành dệt may tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường này.
EU là thị trường lớn và hấp dẫn cho ngành dệt may, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước thứ ba năm 2023 là 115 tỷ eur. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,5 tỷ eur, đứng thứ 6 sau Trung quốc, Bangladet, Thổ Nhỹ kỳ, Ấn độ, Pakistan và chiếm 4,1 % thị phần. Do vậy, dư địa cho hàng Việt Nam mở rộng thị phần còn rất lớn.
Bên cạnh những thuận lợi, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, EU là một trong những thị trường quan tâm nhất đến hàng may mặc bền vững. EU nhận thức về tầm quan trọng của tính bền vững rất cao và các sáng kiến mới liên tục xuất hiện
Cụ thể, EU thực hiện chiến lược cho ngành dệt may tuần hoàn và bền vững, tương lai sẽ là mục tiêu chung của ngành dệt may toàn cầu, nhiều quy định về phát triển xanh ra đời áp dụng cho ngành dệt may nhằm tạo ra dòng thời trang bền vững, sản phẩm có thể tái chế, tuần hoàn.
Quy tắc xuất xứ “từ vải” trong Hiệp định EVFTA yêu cầu các công ty dệt, nhuộm trong nước phải đẩy mạnh năng lực sản xuất để có thể giải quyết được điểm nghẽn về tăng tỷ lệ nội địa hóa, chủ động nguồn nguyên liệu.
Trong khi đó, theo Hiệp hội dệt may, hiện các doanh nghiệp dệt may hiện đang thiếu ba nguồn lực: nguồn lực về công nghệ quản trị; nguồn lực công nghiệp thời trang phát triển mẫu để chủ động; nguồn lực đội ngũ làm thị trường.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam hiện đang thiếu nguyên phụ liệu lớn từ trong nước, hiện vải đệt trong nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.
Đây là một thách thức lớn, bởi nếu ngành dệt may không có nguyên liệu trong nước, không chủ động nguồn nguyên liệu mà phụ thuộc vào nhập khẩu, thì sẽ bỏ phí cơ hội vô cùng lớn từ các hiệp định thương mại với thuế suất bằng 0 do không có vải xuất xứ từ Việt Nam - Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhấn mạnh.
Do đó, để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường dệt may EU trong bối cảnh mới, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các biện pháp thực hiện Hiệp định EVFTA liên quan đến phát triển bền vững và có kế hoạch kiểm soát tác động đến môi trường, lao động để có thể tiếp tục duy trì lợi thế từ EVFTA.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần chú trọng đến chương trình xanh hóa ngành dệt may Việt Nam để đảm bảo được các vấn đề về môi trường được nêu trong thỏa thuận của EVFTA. Như vậy, sẽ giúp ngành dệt may của Việt Nam nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của EU.
Tăng cường đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may.
Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm
Về phía doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về quy tắc xuất xứ khi tham gia EVFTA. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA không chỉ có thêm quy định mới mà cách diễn đạt các tiêu chí xuất xứ cũng khác so với các Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia. Do vậy, để có thể áp dụng một cách chuẩn xác, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải hiểu rõ và hiểu đúng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.
Doanh nghiệp dệt may cần chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu đặc biệt là nguyên phụ liệu chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Với các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, các doanh nghiệp dệt may cần trọng tâm xây dựng các nhà xưởng, máy móc, chủ động nguồn nguyên phụ liệu ngay trong nước để hạn chế việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Nhằm khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp dệt may cần đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất; đặc biệt, hướng tới xây dựng các nhà máy lớn, với dây chuyền sản xuất hiện đại, thay vì phát triển nhỏ lẻ .
Ngoài ra, các Hiệp hội cần phát huy vai trò hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của EU và phối hợp được các doanh nghiệp trong ngành khai thác thị trường EU trên cơ sở lợi ích lâu dài, bền vững./.