Nhiều thuận lợi và thách thức đan xen cho doanh nghiệp Việt tại thị trường châu Âu – châu Mỹ

Trong năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, khi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức và khó đoán định.
det-may-1708836079.jpeg
Dệt may là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường châu Âu - châu Mỹ. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thị trường châu Âu - châu Mỹ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu - châu Mỹ ước đạt khoảng 208 tỷ USD, giảm khoảng 9,5% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 166 tỷ USD, giảm 9,6%, nhập khẩu ước đạt gần 41 tỷ USD, giảm 9,1%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Âu - Mỹ ước đạt 125 tỷ USD, trong đó thặng dư với các nước châu Âu đạt khoảng 33 tỷ USD, với châu Mỹ đạt khoảng 92 tỷ USD. 

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm xuất nhập khẩu với khu vực châu Âu - châu Mỹ là, với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu nửa đầu năm 2023 và sự phục hồi một cách chậm chạp và không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới nửa cuối năm 2023.

Bước sang năm 2024, theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ,  hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi. Các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED: 2%).

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ giúp Việt Nam. 

1-2-1708836079.jpeg
Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt trong năm 2023. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong năm 2024, khi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức và khó đoán định. Năm 2024, tốc tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ dự báo thấp hơn so với năm 2023.

Song song với đó, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Việc các nước đang dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc ra sẽ tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. 

Do đó, để tận dụng tối đa thuận lợi và giảm thiểu tác động của các thách thức trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp lớn về thị trường và doanh nghiệp.

Cụ thể, theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp xây dựng các chiến lược/ kế hoạch thích ứng phù hợp. 

Về nhóm giải pháp phát triển thị trường, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bên liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương triển khai 4 Chiến lược phát triển 4 khu vực thị trường từ nay tới năm 2030, theo đó đồng bộ thực hiện các giải pháp về thông tin thị trường, tận dụng FTA đã ký kết, cũng như các khung khổ hợp tác sẵn có để đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và kênh phân phối.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào: Tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm mục đích thay đổi tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; Khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như: thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… Huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường chỉ đạo, phối hợp với hệ thống Thương vụ đẩy mạnh công tác vận động chính sách, phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, tháo gỡ khó khăn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp./.

Đông Nghi