Cũng trong năm nay, một vấn đề quan trọng được định hướng đó là Việt Nam phải tiến tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo hướng kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Theo quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Đây là con đường phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại mà các nước tiên tiến trên thế giới đang theo đuổi. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục đổi mới theo hướng tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc ở bên ngoài, đây là việc làm nhằm hiện thực hoá "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050".
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, mục tiêu của Đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Mô hình kinh tế tuần hoàn hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, trong đó có việc thực hiện kiểm kê, phân loại và xử lý rác thải, vừa thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Theo đó, muốn thực hiện các mục tiêu trên cần có các giải pháp như:
- Nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và lối sống xanh trong toàn xã hội, bởi nhận thức đúng sẽ có những hành động đúng.
- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn lồng ghép với các Chương trình khác, với các ngành các địa phương và các lĩnh vực.
- Lồng ghép vào các Đề án liên kết vùng để thực hiện quyết đinh ngày 01/10/2021 của Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
- Tăng cường đối thoại công tư về phát triển kinh tế tuần hoàn, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.
- Xây dựng các khung pháp lý, tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn phát triển ở một số lĩnh vực ưu tiên. Cần có cơ chế chính sách để thu hút đầu tư đào tạo nhân lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Như vậy sự cần thiết và vai trò tác dụng của kinh tế tuần hoàn tăng trưởng xanh và bền vững đã rõ, quan trọng hơn là vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào trong thời gian tới để đạt được những mục tiêu đề ra cho các doanh nghiệp và các ngành các cấp trong cả nước.
Riêng đối với ngành thương mại bán lẻ, với số lượng các kênh phân phối bao gồm 8500 chợ, 1240 siêu thị, 245 trung tâm thương mại và 5200 cửa hàng tiện lợi với doanh số bán lẻ bình quân năm khoảng 120 tỷ USD. Để thực hiện một cách nghiêm túc đầy đủ và đem lại hiệu quả rõ rệt thì chúng ta phải hành động liên tục không ngưng nghỉ, làm một cách thiết thực, hiệu quả và không hình thức để thực hiện sản xuất và phân phối, tiêu dùng xanh trong xã hội.
Có lẽ mọi người cũng đều rõ, ngành thương mại phục vụ cho tiêu dùng xã hội và cường độ phục vụ chắc chắn sẽ tăng lên, đặc biệt là các dịp Lễ, Tết, tăng trưởng về doanh số gấp 2-3 lần so với ngày thường. Do vậy, một lượng lớn các hàng hoá và nhất là những hàng hoá nông sản thực phẩm được tiêu thụ rất lớn. Song song đó, lượng phế thải, rác thải cũng tăng lên. Ngoài ra, còn những thực phẩm bị bỏ đi do dư thừa hoặc hết hạn sử dụng cũng rất lớn. Đặc biệt, những bao bì nilon dùng để bao gói, đựng không tự huỷ được trong một thời gian ngắn vẫn đang tiếp tục phát sinh cùng với với nếp sống, thói quen của đa số người dân Việt Nam, chưa thể thay đổi một sớm một chiều.
Nhiều năm nay, chúng ta đều rõ hậu quả của việc khá “hồn nhiên” sử dụng những bao bì hàng hoá khó phân huỷ hoặc hàng trăm năm mới phân huỷ hết. Những thói quen như cầm làn đi chợ trước đây mấy chục năm hình như đã đi vào quên lãng, rất ít người còn thực hiện những hành động nhân văn đối với môi trường khi đi mua sắm hàng hoá. Nếu chúng ta phấn đấu thay đổi mạnh mẽ ngay từ bây giờ, đặc biệt là trong dịp Tết Quý Mão 2023 sắp tới, một thói quen tiêu dùng xanh, sản xuất xanh sẽ từng bước trở thành nếp sống văn minh theo xu thế của thời đại. Vậy muốn thực hiện được điều đó, chúng ta phải làm gì?
Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, các phong trào thi đua kết hợp với dư luận xã hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương trong cả nước. Thứ hai, cần giải đáp được câu hỏi “Thực hiện tiêu dùng xanh bắt đầu từ đâu?” Trước hết có lẽ phải bắt đầu từ sản xuất xanh, nhập khẩu hàng hoá xanh một cách chặt chẽ, khoa học và nghiêm túc, tiến tới tự giác thực hiện và trở thành những pháp lệnh.
Đi đôi với đó là xây dựng và lan toả một nếp sống tiết kiệm, sử dụng hàng hoá thực phẩm một cách hợp lý nhất, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, giảm thiểu những dư thừa không đáng có gây những lãng phí và gây những hệ quả xấu cho xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Đối với hệ thống phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, các chợ dân sinh, đây là những tụ điểm nhiều hàng hoá, sử dụng nhiều bao bì bao gói nhất và phát sinh tỷ lệ thuận theo doanh số hàng ngày. Vì vậy, cần phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường của các chủ thể kinh doanh này. Mặt khác, cần khuyến khích những tổ chức cá nhân đi mua sắm hàng hoá, sử dụng những phương tiện chứa đựng hàng thân thiện với môi trường.
Những hành động nhân văn trên càng phổ biến và thực hiện rộng khắp thì chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tiêu dùng xanh của Chính phủ sẽ đến đích sớm hơn như mong mỏi của chúng ta. Những yêu cầu đặt ra ở trên của việc thực hiện sản xuất và tiêu dùng xanh lúc bình thường cũng như dịp Tết sắp tới, nếu được thực hiện ngày càng rộng hơn, sâu hơn, triệt để hơn, thì chắc chắn mục tiêu để thực hiện một nề nếp tiêu dùng xanh ở thị trường Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực trong một tương lai không xa...