Lãi suất huy động sẽ sớm tăng trở lại?

Khảo sát trong tuần đầu tháng 12/2021 cho thấy lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng thương mại đang dao động trong khoảng 5,5 - 7,6%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 7,6%/năm cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), với mức lãi suất huy động 7,1%/năm, là những cái tên tiếp theo trong bảng so sánh lãi suất cao nhất tại các ngân hàng tháng 12/2021. Điều kiện để áp dụng mức này tại ACB là khách hàng phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng; còn tại Techcombank là từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7,0%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng. 

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất lần lượt là 6,99 và 6,85%/năm. Điều kiện là khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Còn tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank), lãi suất cao nhất đang niêm yết là 6,8%/năm dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác đang huy động lãi suất cao nhất trên 6%/năm như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) là 6,7%/năm, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) 6,7%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 6,6%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 6,4%/năm, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 6,3%/năm... 

Đối với 4 ngân hàng lớn, lãi suất cao nhất trong tháng này là 5,6%/năm tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); trong khi đó tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 5,5%/năm.

ngan-hang-080720-1638782898.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thái Hùng/TTXVN

Trong tháng 11 và tuần đầu tháng 12, đã có ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động tại một số kỳ hạn. 

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng mới đây đã tăng nhẹ lên mức 5,96 và 6,76%/năm. So với bảng niêm yết trước đó, lãi suất này đã tăng khoảng 0,16-0,26%/năm.

Kể từ đầu tháng 12, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng công bố biểu lãi suất huy động mới, tăng thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng tăng từ 3,5%/năm lên mức 3,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng lãi suất tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm.

Đối với tiền gửi online, lãi suất huy động được Eximbank áp dụng cao hơn khoảng 0,1%/năm so với gửi tại quầy. Lần tăng lãi suất gần nhất trước đó của ngân hàng này là từ tháng 10/2021 với mức tăng thêm từ 0,1-0,2%/năm.

Nhìn chung lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng kỳ hạn 1-3 tháng dao động từ 2,5-4%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng từ 4-6,2%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất áp dụng từ 5,3%/năm trở lên.

Có thể thấy, lãi suất tiền gửi đang có tín hiệu nhích tăng và theo giới chuyên gia, điều này là hoàn toàn phù hợp. Bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế. Và việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài.

Dẫu vậy, số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy kênh tiền gửi ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn khi tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng gần như đi ngang kể từ tháng 2/2021. Thậm chí, trong tháng 8 và 9 vừa qua, tiền gửi của người dân đã liên tiếp sụt giảm.

Cụ thể, tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong tháng 9/2021 đạt hơn 5,291 triệu tỷ đồng, giảm 1.473 tỷ đồng so với tháng 8, và giảm tới 2.459 tỷ đồng so với tháng 7. 

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tiền gửi dân cư đã giảm hơn 1.470 tỷ đồng trong tháng 9, là tháng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm cũng ở mức thấp khi về quanh 5,5%/năm vào cuối tháng 10/2021 với kỳ hạn 12 tháng khiến dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, cho rằng với lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, cộng thêm nguy cơ rủi ro về lạm phát đã khiến dòng tiền của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng hay tiền ảo... 

"Lạm phát tăng cao không phải là nguy cơ đối với riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với rủi ro này. Khi lạm phát tăng, các ngân hàng cho vay cũng sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất nhằm mục đích đảm bảo biên lợi nhuận. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sử dụng công cụ tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tất cả những điều này sẽ làm lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới. Tuy vậy, lãi suất huy động có thể sẽ vẫn tiếp tục giữ ở mức thấp bởi thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn rất dồi dào", ông Hiếu phân tích.

Báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021 nhưng việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt mức 13%. Hơn nữa, BSC dự báo trong năm 2022 nhu cầu tín dụng cũng sẽ tiếp tục ở mức cao 13% và được hỗ trợ bởi các yếu tố như nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Theo các chuyên gia, nhu cầu tín dụng dự báo tăng cao như vậy có thể gián tiếp kéo theo mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng trở lại trong năm 2022./.