Lai Châu tập trung chăm sóc lúa vụ Xuân

Những ngày này tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu tích cực ra đồng chăm sóc, làm cỏ, bón phân và tỉa dặm để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hướng tới một mùa bội thu.

Tại cánh đồng bản Én Luông, xã Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu), bà con tấp nập ra đồng điều chỉnh lượng nước, tỉa dặm, làm cỏ và bón phân thúc cho lúa. Vụ Đông Xuân năm nay, xã Mường Than gieo cấy trên 400 ha lúa; trong đó chủ yếu các giống lúa: Séng Cù, Hương Thơm, Thiên Ưu, Việt Lai…

Ông Đàm Vũ Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than, huyện Than Uyên cho biết, đợt rét hại vừa qua, xã có 30 ha bị ảnh hưởng, nhiều diện tích lúa bị xoắn, đỏ lá. Vì vậy, xã tăng cường cử cán bộ xuống đồng tuyên truyền, hướng dẫn bà con khắc phục bằng cách tranh thủ thời tiết nắng ấm sẽ bón thúc, đảm bảo nguồn nước. Tùy vào tình hình thời tiết và sự sinh trưởng của lúa để có phương án trồng thay thế diện tích nếu lúa bị chết.

Cùng đó, xã vận động nông dân tu sửa, nạo vét kênh mương, chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng của lúa. Khuyến cáo bà con tích cực thăm đồng, theo dõi sự sinh trưởng của lúa để có cách chăm sóc đúng quy định và kịp thời phát hiện sâu bệnh. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh hại lúa, những diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét thì bà con đang chăm sóc.

Ông Lù Văn Linh, bản Én Luông, xã Mường Than chia sẻ, gia đình ông gieo cấy 5.300 m2 lúa Đông Xuân. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, ông ra đồng để bón thúc cho cây lúa mau bén rễ và tỉa dặm, làm cỏ. Mặt khác, thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng của lúa và nạo vét kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho lúa.

Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Than Uyên gieo cấy hơn 2.021 ha lúa. Để bảo đảm toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn sinh trưởng, phát triển thuận lợi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại lúa đến bà con nông dân. Thời điểm này, cán bộ nông nghiệp các cấp xuống từng cánh đồng hướng dẫn, vận động bà con bón phân, làm cỏ, chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển của cây lúa.

cay-lua-1648111667.jpeg
Nông dân xã Bản Lang, huyện Phong Thổ làm cỏ, chăm sóc diện tích lúa Đông Xuân. Ảnh minh hoạ (nguồn ảnh: Laichau.goc.vn)

Tại huyện Phong Thổ, với diện tích lúa Đông Xuân 724 ha, nông dân toàn huyện cũng đang tiến hành chăm sóc, bón phân cho lúa. Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho hay, để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt đạt năng suất cao, phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tích cực sản xuất vụ Đông Xuân vừa đảm bảo khung thời vụ và vừa hạn chế sâu bệnh hại lúa. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương điều tiết nước hợp lý, không để ruộng khô hạn hoặc ngập nước tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Đang tiến hành làm cỏ cho diện tích lúa, anh Lý A Tương bản Nà Giang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ cho biết, vụ Đông Xuân năm nay gia đình anh cấy 3.000 m2, chủ yếu giống lúa tẻ râu. Hiện gia đình đang tập trung làm cỏ và bón thúc phân đạm kết hợp với kali cho lúa phát triển tốt, năng suất cao.

Đặc biệt, hiện nay thời tiết nắng ấm là điều kiện thích hợp cho nhiều loại dịch bệnh, sâu hại phát triển nhanh, Phòng Nông nghiệp khuyến cáo bà con chủ động thăm đồng, theo dõi quá trình phát triển của lúa để có biện pháp phòng trừ ngay khi mới xuất hiện các bệnh gây hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn… nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh phát sinh trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất.

Để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ngành nông nghiệp Lai Châu đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp với thời tiết, tránh bị thiệt hại do rét đậm, rét hại đầu vụ, đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ vào thời điểm an toàn từ ngày 5-20/5; triển khai các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng trà lúa.

Với những diện tích lúa cấy sớm, nông dân nên giữ nước nông trên mặt ruộng, đảm bảo cung cấp đủ nước, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tối đa. Đồng thời, bón tăng lượng đạm từ 10-15% so với phân bón bình thường và bón phân thúc đẻ nhánh rải rác từ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 4-5 ngày nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng, sinh dưỡng của lúa để lúa trỗ bông.

Những diện tích lúa cấy trà muộn và diện tích lúa gieo thẳng các hộ nông dân tích cực chăm sóc, bón thúc, tỉa dặm để đảm bảo mật độ, tránh để quá dày sẽ tạo điều kiện cho các ổ bệnh phát sinh. Tập trung bón lúc đẻ nhánh và bón đón đòng, bón nặng đầu nhẹ cuối, tránh bón thừa phân đạm, tăng cường bón phân trung vi lượng để giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã, ít sâu bệnh. Không bón phân vào những ngày trời mưa to, nắng nóng, nên bón vùi sâu vào trong đất để cây hấp thụ từ từ, tránh lãng phí do rửa trôi, bay hơi.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022 toàn tỉnh Lai Châu gieo cấy 6.777 ha. Đến hết ngày 9/3, toàn tỉnh đã kết thúc gieo cấy vụ Đông Xuân với diện tích gieo cấy đạt 6.827 ha. Cơ cấu giống chủ yếu là các giống Séng Cù, HN6, PC6, Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, J02, Nếp 97./.