“Sepon Quảng Trị” với định hướng phát triển gắn liền với “Tam nông”

“Tam nông”: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn vốn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách lớn, xuyên suốt qua từng giai đoạn. Ở Quảng Trị, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Quảng Trị) là doanh nghiệp hàng đầu trong sứ mệnh đồng hành với tam nông.

Theo đó, Sepon Quảng Trị đặt định hướng phát triển sản xuất kinh doanh thương mại, gắn liền với nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sự phát triển các vùng nông thôn, miền núi, hoàn thành tốt trong vai trò của một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề: Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phục vụ. Lấy sức khoẻ con người làm trọng tâm, tính đến việc tăng thu nhập ổn định và đặc biệt đặt lợi ích môi trường lên trên lợi nhuận doanh nghiệp.

Đồng thời, nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả, trên cơ sở chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, thức ăn, phân bón cũng như bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân; tham gia phục hồi và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng tại các địa phương, đưa thương hiệu nông đặc sản trong tỉnh ra thị trường trong nước và thế giới.

lua-1674780139.jpg
Triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Để thực hiện tốt sứ mệnh đồng hành với tam nông, Sepon Quảng Trị đã tạo ra được sự gắn kết bền vững giữa bốn nhà: Nhà doanh nghiệp, nhà nông, Nhà nước và nhà khoa học để không ngừng tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, khẳng định được chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước.

Các mô hình nông nghiệp của Sepon được triển khai theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, tận dụng lợi thế người nông dân am hiểu về đồng ruộng, có ruộng đất, và có công chăm sóc. Công ty hỗ trợ giống, phân bón, dùng máy cấy, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật và làm thương mại, phun thuốc bảo vệ thực vật từ chế phẩm sinh học, bao tiêu đầu ra...

Sepon Quảng Trị với những mô hình “kinh tế xanh” bền vững

Sepon Quảng Trị đã triển khai thành công nhiều mô hình kinh tế xanh (kinh tế tuần hoàn), kết hợp cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng ngô sinh khối, lúa hữu cơ, dong riềng, hồ tiêu... Trong đó, trồng các loại cây như ngô sinh khối, sắn (mì) làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và lấy phân của gia súc để chế biến phân bón hữu cơ bón cho cây trồng vừa giảm chi phí, vừa bảo vệ môi trường.

Mô hình lúa hữu cơ được Sepon Quảng Trị triển khai theo một quy trình khép kín, bài bản. Tất cả được tiến hành một cách kỳ công từ khâu chọn đất, giống, nguồn nước, cấy vi sinh vật bản địa, phân bón hữu cơ, phương pháp cấy trồng theo nguyên lý cận biên của người Nhật... cho đến khâu chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch từ đó nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn của châu Âu.

cty-1674780213.jpg
Dây chuyền chế biến gạo đạt chuẩn châu Âu của Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Quảng Trị).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Sepon Quảng Trị cho biết: “Sau khi trừ chi phí bà con nông dân làm lúa hữu cơ lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Để ổn định giá thành đầu ra đối với lúa hữu cơ giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, Sepon Quảng Trị phối hợp với huyện cam kết giá bảo hộ đầu ra, thu mua tận nơi với giá 11.000đ/kg lúa tươi nếu năng suất đạt 5,6 tấn/ha. Trong trường hợp vượt 5,6 tấn/ha thì công ty được một nửa, nông dân được một nửa. Nếu dưới 5,6 tấn/ha thì công ty bù một nửa và huyện bù một nửa”.

Lợi ích kép từ mô hình ngô sinh khối

Việc triển khai mô hình trồng ngô sinh khối vừa tận dụng được đất bỏ hoang vụ Hè - Thu ở Quảng Trị do thiếu nước vừa có thể kết hợp với nuôi bò để tạo ra lợi ích kép, tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa qua đơn vị đã phối hợp với Sepon Quảng Trị áp dụng thành công mô hình trồng ngô sinh khối trên đất ruộng vốn bị nông dân bỏ hoang do thiếu nước vào vụ Hè - Thu ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Qua đó, giúp người trồng sinh khối có thu nhập lên đến 65 triệu đồng/ha, sau chi phí lãi đến 25 triệu đồng/ha.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Sepon Quảng Trị, ngô sinh khối là nguồn thức ăn rất tốt cho trâu, bò. Hiện ở Quảng Trị có khoảng 55.000 con bò, chưa kể trâu cũng rất nhiều, trung bình mỗi con bò ăn hết 7 tấn thức ăn thô/năm. Bên cánh đó, diện tích đất đồng cỏ tự nhiên là không nhiều. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thức ăn cho trâu, bò là rất lớn.

PGS.TS Phạm Công Hoạt, Trưởng phòng trồng trọt - Bộ Khoa học Công nghệ nhận định, đây là mô hình hay, giải quyết thực trạng ruộng bị thiếu nước vụ Hè - Thu ở Quảng Trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, bà con nông dân có thể tận dụng ngô sinh khối để nuôi thêm bò và đồng thời sử dụng phân bò để làm phân bón hữu cơ bón cho ngô tạo thành một mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm chi phí, tăng thu nhập.

Đoàn Văn Thuận