Kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN: Nguyễn Chí Thanh “sáng trong như ngọc ” (kỳ 3)

Năm 1965 khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, dùng máy bay ném bom bắn phá Miền bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn ác liệt, ông lại được Đảng cử vào miền Nam với cương vị Bí thư Trung ương cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang miền Nam.
photo-1-1502253498167-13-0-323-500-crop-1502253507471-1639802415.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tương Nguyễn Chí Thanh

Tư tưởng chiến lược tiến công của đảng đã được ông tổng kết từ các trận đánh: Núi Thành, Bàu Bàng, Vạn Tường, Nhà Đỏ - Bông Trang, Plâyme, thung lũng La Đrăng, cuộc hành quân Atenbơrô, Gianxơnxity. Ta có đánh được Mỹ không là bài toán ông cùng các vị lãnh đạo Trung ương cục miền Nam phải trả lời để Bộ chính trị có chiến lược, sách lược đối với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Làm thế nào để tránh được hỏa lực bom, pháo rất mạnh của kẻ thù, để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, câu hỏi này cũng cần phải được trả lời.

Từ thực tế chiến đấu, từ sự sáng tạo dũng cảm của các đơn vị, địa phương trong chiến đấu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến cho bộ đội, đồng thời nêu lên khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng phát triển thành phong trào cách mạng trên các chiến trường như: “nắm thắt lưng địch mà đánh”; “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Cũng từ thực tế chiến đấu, ông lập các vành đai diệt Mỹ, phát động phong trào thi đua phấn đấu trở thành “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt xe tăng”… Với những chỉ đạo sáng suốt, ông đã làm thay đổi căn bản tư tưởng của quân và dân ta ở miền Nam.

Không chỉ tìm ra và khẳng định hiệu quả của cách đánh “ở gần, đánh gần”, đã hạn chế tối đa uy lực yểm trợ phi, pháo của kẻ thù, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là người định hướng mở rộng mặt trận Tây Nguyên tạo sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Mở rộng mặt trận ra vùng cao nguyên - “mái nhà Đông Dương”, không chỉ để bộ đội tăng gia sản xuất, tự túc và tích lũy lương thực thực phẩm dự phòng mưa bão hậu phương tiếp tế không kịp, mà còn nhằm cất giấu phục vụ cuộc chiến đấu lâu dài.

Mở rộng mặt trận Tây Nguyên còn có ý nghĩa sâu xa hơn là phân tán lực lượng địch, dụ chúng vào cái nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” để kìm chân và tiêu diệt, tạo điều kiện cho các chiến trường khác tấn công địch. Những ý tưởng sáng suốt và quyết định đúng đắn của ông đều xuất phát từ thực tiễn được rút ra thành bài học và nâng lên tầm lý luận sâu sắc.

img0725-1639802548.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và dân quân tự vệ

Một nhà thơ chỉ cần một bài thơ hay là sống mãi với thời gian, một nhà văn chỉ cần một truyện ngắn, một tiểu thuyết có giá trị là thành tên tuổi. Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không dưới ba lần ông đưa ra quyết sách đúng đắn, tạo chuyển thế cờ cách mạng. Lần thứ nhất, bám dân, bám cơ sở, phát triển chiến tranh du kích ở mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa giành thắng lợi; lần thứ hai, phát động phong trào thi đua yêu nước, chiến đấu với đói nghèo, tạo không khí hừng hực trong lao động sản xuất ở miền Bắc; lần thứ ba, tìm được cách đánh Mỹ và thắng Mỹ trong bối cảnh không ít người hoang mang, lo sợ (Hàng chục vạn lính Mỹ và chư hầu được huấn luyện đầy đủ, trang bị tối tân, có sự yểm trợ hùng hậu của không quân, pháo binh làm sao mà không có lúc lo ngại!).

Biết lợi dụng quy luật mạnh sẽ thắng yếu của chiến tranh, Nguyễn Chí Thanh đã nhân thế mạnh của ta nhân thế yếu của địch, và tận dụng cái mạnh của chiến tranh chính nghĩa để biến thành thế mạnh vật chất quyết tâm khuất phục kẻ thù. Tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng đã được ông cụ thể hóa ở chiến trường miền Nam với tất cả trí tuệ và tài năng của một vị tướng tài ba. Với thế giới quan khoa học, biện chứng cộng với sự năng động có được nhờ đúc kết từ thực tế gần gũi, bám sát cơ sở, khiến những luận điểm của ông luôn có tính thuyết phục và hiệu quả.

Khẩu hiệu hành động ông đưa ra đều xuất phát từ thực tiễn sinh động và tác động trở lại thực tiễn sâu sắc. Trong cách chỉ đạo, ông luôn lắng nghe, chiêm nghiệm để rồi tạo ra những mô hình mới mang tính đột phá, từ đó phát động phong trào thi đua học tập và vượt điển hình. Nghiên cứu tư tưởng của ông, chúng ta càng thấy rõ và có thể khẳng định, để tìm và xây dựng được mô hình tiên tiến, ông đã thực sự gắn bó với quần chúng, với cơ sở. Đó là phẩm chất quý giá ở nơi ông.

Đến một nhà bình luận báo chí

Nói đến đại tướng Nguyễn Chí Thanh chúng ta không thể không nhắc tới những bài báo nổi tiếng một thời của ông. Từ thuở Đại tướng lăn lộn với ruộng đồng, bài báo “Huyện ủy 5 không” đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh sự quan liêu của cán bộ lãnh đạo cơ sở. Gần 50 năm sau, tính thời sự và cách đặt vấn đề của bài báo vẫn được các giảng viên báo chí lấy làm mẫu phân tích cho sinh viên. Có lẽ, đó là một trong những bài báo thuộc loại thể tiểu phẩm kinh điển. Song, sự nghiệp báo chí của ông được biết đến là loại thể bình luận dưới các bút danh: Trường Sơn, Cửu Long. Cũng như các nhà cách mạng tiền bối, ông sử dụng báo chí để chuyển tải ý tưởng mà ông đã dày công nghiên cứu, đúc rút. Các bài báo có giá trị nhất của ông được viết vào mùa khô năm 1966 tức là sau một năm ông vào chiến trường.

Tiếng vang của các bài báo ở sức chứa đựng lượng thông tin, ở “tính tư tưởng và tính chiến đấu sắc bén”, ở “giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc”. Trong bài báo “Kế hoạch phản công chiến lược mùa khô của Mỹ bị đập tan, quân và dân miền Nam ta đã giành được những thắng lợi rất lớn”, ông đã chỉ rõ 3 bài học và 3 nguyên nhân thắng lợi của quân - dân ta trên chiến trường và khẳng định 5 chỗ yếu cơ bản của địch, 5 điểm mạnh cơ bản của ta… Tháng 6/1966 ông viết bài “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn, Mỹ ngụy thua to trong mùa khô năm 1965 - 1966?” đăng trên tạp chí Quân đội Nhân dân, Đại tướng đã tổng kết: “Do thế giới quan duy vật biện chứng và quan điểm quân sự cách mạng, quân và dân miền Nam đã chỉ đạo chiến tranh, đã đánh giá địch, ta một cách khách quan, khoa học, phát huy được tính hơn hẳn của chiến tranh nhân dân, khắc phục được chỗ yếu về vật chất, biến lực lượng chính trị thành lực lượng quân sự, ưu thế chính trị thành ưu thế quân sự, khoét sâu chỗ yếu của địch, đưa chúng vào thế ngày càng bị động”. Đại tướng còn khẳng định: “Do thế giới quan quân sự nước lớn chi phối, sự chỉ đạo chiến tranh của Mỹ luôn luôn chủ quan, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác”.

149933128255491-daituongnctd-1639802622.jpg
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và phu nhân

Bài viết “5 bài học phản công chiến lược mùa khô” là một tác phẩm gây tiếng vang lớn, trở thành vũ khí tư tưởng của toàn Đảng, khích lệ toàn quân, toàn dân quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh mẽ và đem lại niềm tin vào chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam cho bạn bè khắp 5 châu, làm cho kẻ thù sửng sốt và đẩy chúng vào tình thế lúng túng, hoang mang. Bài báo đã góp phần cùng Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chuẩn bị cuộc tấn công Mậu Thân 1968. Đúc kết từ thực tế lăn lộn giữa chiến trường, bài báo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanhđã tạo nên sức công phá mạnh mẽ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc.

Bao giờ cũng vậy, tuy không phải nhà báo chuyên nghiệp, nhưng những điều ông viết ra đều được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Đó là những tổng kết mang tính lý luận cao và đặc biệt các bài báo của ông đều phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong những thời khắc quyết định. Những tổng kết của ông không chỉ có giá trị nhất thời mà còn là những bài học về phương pháp cách mạng, mang đậm chất trí tuệ và nhân văn. Vừa chỉ đạo đánh giặc, vừa tổng kết rút kinh nghiệm qua từng trận đánh, vừa viết báo để phổ biến lí luận, để bạn bè thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc, đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện phẩm chất một cán bộ cách mạng vừa có tâm vừa có tài. Tìm hiểu cuộc đời ông chúng ta càng cảm phục, yêu kính vị tướng luôn sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của dân tộc.

Từ những năm ở chiến khu Việt Bắc, sức khỏe Đại tướng đã không được tốt, dù điều kiện ở vùng rừng núi có nhiều khó khăn, bộ phận hậu cần cũng đã cố gắng tìm lo cho Đại tướng một con bò để vắt sữa bồi dưỡng, nhưng khi chiến trường miền Nam ác liệt nhất cần ông, ông đã có mặt. Và từ trong chiến trường ác liệt đó ông đã có những bài báo kịp thời động viên tư tưởng toàn quân, toàn dân vững ở niềm tin chiến thắng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại trong chúng ta hình ảnh trong sáng bộ đội cụ Hồ với đầy đủ phẩm chất cao đẹp, tầm vóc và ý nghĩa sâu xa của danh hiệu cao quý đó. Trong lời tựa cuốn sách viết về ông nhân kỷ niệm 40 năm ông đi xa, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã viết: “Dù thời đại đã khác, nhiều quan niệm và chuẩn mực sống có những thay đổi, nhưng phẩm chất con người, phẩm chất của người cán bộ, đặc biệt người lãnh đạo chân chính như quyết đoán, dám nghĩ dám làm và gần gũi, sâu sát nhân dân, là không hề thay đổi”.

Là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX, tên tuổi ông không chỉ gắn với Bình - Trị - Thiên khói lửa một thời, không chỉ gắn với “sóng Duyên Hải, gió Đại Phong”, không chỉ gắn với quyết định nổi tiếng “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Khi ông mất nhà thơ Tố Hữu đã đau đớn thốt lên:

“Nước non đau xót như lòng mẹ/Mất một người con Nguyễn Chí Thanh”.

Kỉ niệm 40 năm ngày ông ra đi, tưởng nhớ ông, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: Ông là một danh tướng, một nhà chính trị và nhà quân sự lỗi lạc. Tên tuổi ông, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sẽ sống mãi với non sông Việt Nam./.

Hà Phương Thiện