Kỷ niệm ngày thành lập QĐND: Nhật ký một lần theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Về nguồn” (Kỳ 1)

Cuối năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Cao Bằng, nơi gần nửa thế kỷ trước, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, ra đời.
img-2808-1639991460.JPG
Bên suối Lê Nin

Khi đó, tôi là phóng viên báo Quân khu Một vinh dự được “tháp tùng” Đại tướng “về nguồn”. Năm ấy Đại tướng vẫn còn khỏe lắm dù đã 78 tuổi, nhưng tôi nghĩ, đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của ông trở về mảnh đất gắn với biết bao kỷ niệm của cuộc đời. Hơn 30 năm đã trôi qua, ấn tượng về Đại tướng và hình ảnh những cuộc gặp gỡ đầy xúc động vẫn nguyên vẹn trong tôi.

Ngày…

Ngày ấy Đại tướng không còn chức vụ chính thức nào nữa, có chăng chỉ làm Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam, mà tuổi Đại tướng cũng đã cao, nói như bây giờ là hết tuổi quy hoạch rồi, cho nên chắc cũng chẳng ai cảnh giác với ông nữa. Những năm ấy, đi đâu, nói gì, Đại tướng ý tứ, giữ gìn lắm. Thế hệ chúng tôi, dù ông còn làm việc hay nghỉ hưu, mọi người vẫn yêu kính và ngưỡng mộ ông.

Xe xuất phát từ Thái Nguyên theo quốc lộ 3 lên Bắc Kạn. Gần trưa, đến huyện lỵ Ngân Sơn, cả đoàn nghỉ tại huyện ủy. Đại tướng bảo cán bộ văn phòng đưa ông lên nghĩa trang viếng mộ đồng chí Phùng Chí Kiên, một chiến sỹ cách mạng nổi tiếng từ thời tiền khởi nghĩa, viếng mộ bà Nguyễn Thị Thanh, phu nhân của ông Doanh Hằng Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái, một trong 3 nữ chiến sỹ được bổ sung về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, và các liệt sỹ. Cắm những nén nhang trên mộ những người đồng chí, tôi thấy ông bùi ngùi, rân rấn nước mắt.

Từ sau 1975, đây là lần thứ ba Đại tướng trở lại Cao Bằng, nơi Bác Hồ và các đồng chí, trong đó có ông, trở về từ những ngày Tổ quốc còn chìm trong nô lệ. Đây là nơi đã in dấu chân ông từ khi cách mạng mới nhen nhóm lên trong bóng tối. Đại tướng “về nguồn” với tư cách cá nhân nên không có tiền hô hậu ủng nhưng cũng không kém long trọng và thấm đượm nghĩa tình, bởi cán bộ các cấp và đồng bào ai cũng yêu kính nhớ thương, ai cũng muốn tận mắt trông thấy vị tướng lừng danh, thần tượng của bao người, nhưng rất đỗi thân thương, gần gũi với mình, sau bao năm xa cách.

Ngày…

Xe rời cơ quan tỉnh ủy Cao Bằng lúc bảy giờ sáng. Qua cánh đồng Nước Hai, Hòa An thấp thoáng trong sương mờ; xe tiến vào địa phận Hà Quảng, xa kia là những ngọn núi xếp hình răng cưa, nơi ông và các đồng chí của mình mở các lớp huấn luyện, vận động phong trào cách mạng.

Những trái đồi nhấp nhô và những cánh đồng cuộn sóng, những bản nhỏ với hàng tre xanh uốn ngọn cong vút, một cây cầu có mái ngói bắc ngang dòng suối… Những khung cảnh này đưa ông về với những ngày xa ngái. Đại tướng bồi hồi nhớ những năm tháng hoạt động bí mật ở nơi đây, những đêm nằm lán nứa trong giá rét căm căm, ăn măng rừng, uống nước suối trong sự đùm bọc, yêu thương của đồng bào, gắn bó đến mức, ông có thể nói được tiếng nói của các dân tộc Tày Nùng, Dao, Mông thành thạo.

Vượt qua ngọn đồi nơi đặt Bảo tàng Hồ Chí Minh, Pác Bó hùng vĩ hiện ra trước mắt, núi cao chất ngất nửa khung trời, suối Lênin vẫn ru điệu nhạc à à từ ngàn xưa, nước trong vắt nhìn rõ từng con cá nhỏ lượn lờ quanh tảng đá sẫm màu rêu nằm sâu trong lòng suối, từng đám cải xoong xanh mướt rập rờn bên mép nước. Ngọn núi Các Mác, cỏ cây chen đá, đứng sừng sững với thời gian; hang Cốc Bó lẩn khuất không xa bên suối nguồn Pác Bó…

Đại tướng lặng ngắm ngọn núi cao ngất chia đôi biên giới Việt - Trung, đôi mắt ông dõi nhìn cột mốc 108 nằm trên sườn núi và bồi hồi nhớ hình ảnh Bác ngồi thụp xuống vốc nắm đất dưới chân cột mốc đưa lên môi hôn trong ngấn lệ rưng rưng. Giọng ông trầm lắng: “Sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại, năm 1941 Người mới lại đặt chân lên mảnh đất nước quê hương. Năm mươi tuổi, Người trở về Tổ quốc theo một con đường bí mật để trực tiếp lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành lại độc lập, tự do cho dân tộc”.

img-2798-1639991560.JPG
Đại tướng chụp ảnh với các phóng viên ở cửa hang Pác Bó

Đại tướng nhớ lại, năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, ông đã trở về Pác Bó và trồng ở đây một cây kim giao. Cây kim giao nay đã cao vút, tỏa cành xanh tốt. Ông vẫn nhớ nước nguồn Pác Bó rất ngọt, ngày hè nắng nóng uống những ngụm nước suối mát lạnh, sảng khoái vô cùng. Qua cây cầu nhỏ, tới nơi Bác Hồ vẫn ngồi nấu cháo bẹ, canh măng và câu cá. Gần đó là khóm trúc Bác trồng khi Người trở lại thăm Pác Bó năm 1961. Tất cả đều gợi nhớ về những kỷ niệm…

Ông kể, ngày mới về nước, Bác Hồ ở cùng gia đình ông Lý Quốc Súng dân tộc Nùng, một cơ sở cách mạng ở bản Pác Bó, nhưng nhà thường xuyên có khách lui tới nên Bác quyết định ra ở ngoài rừng và yêu cầu tìm cho Bác một nơi kín đáo, ít người qua lại. Các đồng chí cơ sở cách mạng đã chọn cho Bác hang Cốc Bó, một hang nhỏ, nằm sâu trong khe núi, nơi người địa phương cũng ít ai chú ý.

Bác rất vừa lòng với nơi ở và làm việc mới, dù rất lạnh và ẩm thấp. Tại đây, Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám trong một căn lán nhỏ bên sườn núi, phía trước hang Cốc Bó. Hội nghị Trung ương Đảng đã ra quyết định chuẩn bị võ trang khởi nghĩa và thành lập Mặt trận Việt Minh. Theo dòng hồi tưởng của Đại tướng, hình ảnh của Bác với bộ quần áo chàm trầm ngâm ngồi bên ngọn lửa hồng trong những đêm lạnh giá ngày ấy, hiện lên thật rõ nét trong tôi.

Để giữ bí mật, Bác không dám đốt lửa to, sợ ánh sáng lọt ra ngoài, có những hôm mưa gió, củi ướt, bốc khói cay sè. Trong tiếng củi nổ tí tách, Bác phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước và dự đoán tương lai với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Lê Quảng Ba và ông. Bác tiên lượng chừng bốn hay năm năm nữa, cách mạng Việt Nam sẽ thành công. Đại tướng sôi nổi kể, trông Bác giống như một ông ké người Nùng, từ trang phục đến lời nói, việc làm, lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối, ngủ rừng… nhưng công việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa, như Đại tướng hình dung, là vô cùng khó khăn, được Người triển khai một cách ung dung, tự tin.

Có người hỏi, vũ trang khởi nghĩa thì lấy súng ở đâu? Bác đáp ngắn gọn: “Người trước súng sau. Có dân thì có súng. Có dân là có tất cả”. Khác với những phong trào đấu tranh vũ trang do Đảng ta lãnh đạo trước đó, như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Khởi nghĩa Nam Kỳ, Khởi nghĩa Bắc Sơn, lần này, với Người, Đảng lãnh đạo quần chúng thông qua Việt Nam Độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh.

Tôi nhắc đến Chương trình mười điểm của Mặt trận Việt Minh đáp ứng những quyền lợi bức thiết nhất của tất cả mọi người dân được Bác Hồ soạn thành một bài, dạng đồng dao, với vài chục câu thơ ngắn gọn, ai đọc cũng hiểu, và bản dịch bài đồng dao này ra tiếng Tày Nùng, tiếng Dao, tiếng Mông của Đại tướng đã trở thành tài liệu đạt được mục đích tuyên truyền rất lớn.

Đại tướng cười, nụ cười thật hiền: “Vì đồng bào không thạo tiếng Kinh, cần phải dịch ra tiếng Tày Nùng, tiếng Dao, tiếng Mông thì mới tuyên truyền chủ trương của Mặt trận Việt Minh đến đồng bào các dân tộc Việt Bắc được”. Đại tướng tâm sự với cánh nhà báo chúng tôi: “Bác Hồ rất coi trọng công tác báo chí. Bác nói: “Báo chí là người tổ chức quần chúng làm cách mạng”. Khi tôi đưa Bác xem tờ Tiếng suối reo chúng tôi làm ở Tĩnh Tây, Bác nói: “Báo này để cho các chú đọc, vì chỉ có các chú mới hiểu”. Bác trực tiếp chỉ đạo làm báo Việt Nam độc lập. Người đã viết nhiều bài, thông qua lần cuối những bài của Bác và của chúng tôi trước khi đưa in”.

Ước gì ngày dài hơn, đường cũng tốt hơn, để về thăm tất cả những nơi Đại tướng đã từng được đồng bào cưu mang trong những ngày hoạt động trên đất Cao Bằng. Nhưng đó là điều không thể. Thời gian bố trí cho chuyến đi quá ngặt nghèo. Các đồng chí lãnh đạo Cao Bằng đã sắp xếp cho Đại tướng sau khi rời Pác Bó sẽ về thăm xã Tam Kim, thăm bản Phai Khắt, nơi diễn ra trận đánh đầu tiên sau 2 ngày thành lập của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 24.12.1944, và thăm khu rừng Trần Hưng Đạo. Đại tướng biết, các đồng chí ở địa phương đã rất cố gắng.

Buổi chiều...

Cùng trở lại nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là ông Nông Văn Lạc, người đảng viên đầu tiên của xã Tam Kim, người đã chia sẻ với Đại tướng từng bát cháo, từng hạt muối, từng que diêm trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cùng đi còn có anh Dương Mạc Thăng, bí thư huyện ủy Nguyên Bình, con trai ông Xích Thắng (Dương Mạc Thạch), chính trị viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, chốc đà đã 45 năm. Dù thương, dù nhớ đến bao nhiêu, nhiều người đã không thể chờ tới hôm nay để gặp lại. Không ít người đã mãi mãi đi xa, để thương để nhớ cho người trở lại. Và, Đại tướng cũng không thể rẽ vào xã Minh Tâm, xã anh hùng quê hương ông Xích Thắng với bao gia đình đã từng che giấu, nuôi ông trong những ngày địch khủng bố trắng. Đại tướng day dứt mãi khi biết bà con đã sửa đường cho bớt gập ghềnh để đón ông về với bản...

Khu rừng Trần Hưng Đạo nằm trên triền núi vẫn giữ nguyên quang cảnh cũ dù nạn phá rừng đốt nương khá phổ biến ở Cao Bằng. Đại tướng đã rất cảm động khi nghe bà con kể, khu rừng không bị tàn phá là nhờ những người dân ở bản Sham Cao gần đó giữ gìn, bảo vệ, không cho phát rừng làm nương và ngăn chặn lâm tặc chặt cây lấy gỗ, như đồng bào Thái ở Điện Biên giữ rừng Mường Phăng, chỉ bằng câu nói giản dị: “Không có khu rừng này làm gì có bộ đội cụ Hồ!”.

Vẫn những cây sau sau lá đỏ cao vút. Cây sấu già năm xưa tán lá vẫn rợp xanh, tiếp tục cho đời những trái thơm ngọt. Trên vạt đất bằng phẳng, nơi ngày đó tung bay lá cờ đỏ sao vàng giờ đây là một tấm biển lưu niệm lớn ghi ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày ấy, vạt đất này là nơi bộ đội xếp thành ba hàng nghiêm trang làm lễ tuyên thệ, bây giờ là những dãy ghế đá dưới những tán lá xanh mát đón khách tham quan.

Đại tướng trầm ngâm đứng trên mảnh đất cách đây 45 năm ông đã đọc Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân của Bác Hồ, trước 34 chiến sỹ: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”... Chính nơi đây, ngày 22 tháng chạp năm 1944, ông đã đọc mười lời thề danh dự của chiến sĩ cứu quốc. Núi rừng hôm nay như còn âm vang tiếng hô của những chiến sĩ thuộc các tộc người: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông… thề hy sinh tất cả cho độc lập dân tộc, thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho Tổ quốc Việt Nam tự do và dân chủ.

Đại tướng đã thực hiện đúng chỉ thị của Bác Hồ: “Trận đầu phải thắng”. Ông kể, liền trong hai ngày sau đó, ngày 24 và 25 tháng 12, trung đội Giải phóng quân đã tiêu diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Hai trận đánh diễn ra trong chớp nhoáng, địch không kịp trở tay, quân ta bảo toàn lực lượng, bắt sống tất cả lính đồn, thu toàn bộ vũ khí của địch, và rồi lại thả tất cả tù binh, cho về quê làm ăn. Với vũ khí thu được từ hai trận đánh, chỉ mấy ngày sau, trung đội đầu tiên đã phát triển thành đại đội.

Đơn vị đón nhận thêm những người con ưu tú của quê hương Cao Bằng: Vũ Lập, Quang Trung, Nam Long, Quốc Chủng… Tháng 4 năm 1945, sau Hội nghị quân sự Bắc Kỳ do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập thành Việt Nam Giải phóng quân. Tiếp đó, tháng 8 năm 1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định thống nhất lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân./.

Hà Phương Thiện