Tham dự hội nghị có các đồng chí: Y Biêr Niê - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trần Phú Hùng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nông Thị Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng các hội, hiệp hội và 140 doanh nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Về phía Ấn Độ, có Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh - ông Madan Mohan Sethi, đại diện các Liên đoàn - Hiệp hội và khoảng 60 doanh nhân Ấn Độ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn khẳng định: “Đắk Lắk cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn tỉnh. Thành công của nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh”.
Hội nghị này được tổ chức trong bối cảnh, Đắk Lắk xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế đi theo hướng “xanh”, bền vững, khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế. Trên tinh thần đó, Đắk Lắk sẽ luôn cùng đồng hành, cùng tham gia định hướng và tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực với nhà đầu tư khi đến với địa phương.
Song song đó, Đắk Lắk còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo tinh thần “Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh và phát triển; Thực hiện đầy đủ, nhất quán, đúng quy định các chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động… cho các nhà đầu tư”.
Về việc xử lý các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, tỉnh cũng cho biết sẽ tiếp tục cải thiện và nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của địa phương. Mục tiêu là xây dựng Đắk Lắk từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các lợi thế như đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Mặt khác, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai minh bạch, giảm đầu mối, đơn giản hóa và giảm các thủ tục hành chính,… tiến đến loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó thực hiện để giảm chi phí và thời gian cho nhà đầu tư...
Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên nằm trong định hướng tăng cường thu hút các nguồn vốn, mở rộng lĩnh vực, phạm vi và hình thức đầu tư của tỉnh. Theo đó, Đắk Lắk sẽ tập trung mọi nguồn lực để cải thiện môi trường thu hút đầu tư vào địa phương và nâng cao vị thế, bắt đầu từ đầu tư kết cấu hạ tầng.
Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ bền chặt với các đối tác Ấn Độ trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin. Đắk Lắk kỳ vọng sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản chất lượng cao cho các kênh phân phối ở Ấn Độ như sầu riêng, trái cây, điều, cà phê….
Hiện nay, Đắk Lắk đang có nhiều tiềm năng trong việc phát triển các lĩnh vực như: nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch cảnh quan, sinh thái, môi trường và văn hóa truyền thống. Tỉnh hiện có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động, ngoài ra còn đang chuẩn bị đầu tư thêm 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp khác. Đây là những điều kiện hạ tầng vững chắc đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư.
Tại Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên lần này, 64 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk và doanh nghiệp của Ấn Độ đã được UBND tỉnh Đắk Lắk công bố và trao tận tay. Trong đó, có 52 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị và 14 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết vào tháng 11/2023 trước đó trong dịp Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đến xúc tiến đầu tư, thương mại tại Ấn Độ .
Nhân dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tặng Bằng khen cho ông Madan Mohan Sethi cùng tập thể Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. HCM vì đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua./.