Ký giả lạ lùng ở xứ sở kim chi

Jang Geon-seob (người Hàn Quốc) là một ký giả có nhiều năng lượng. Lúc nào cũng thấy anh chạy sự kiện, vừa quay phim, chụp hình, vừa viết bài. Anh điều hành cùng lúc ba tờ báo in (điển hình là tờ báo ngày Miraeilbo), báo điện tử, và một nhà xuất bản. Anh nói: “Tôi mà nghỉ thì 70 phóng viên khác không có lương!”

Trên người anh luôn trĩu nặng hơn chục ki-lô máy ảnh, máy quay phim, laptop, điện thoại, mà mỗi loại thường trên một chiếc. Ba lô của anh luôn có nguy cơ tung đứt quai bởi nhồi nhét quá nặng máy móc, sách báo,… Thậm chí, khi đi dạo buổi sáng với chúng tôi bên hồ nước gần khách sạn Hilton ở cố đô Gyeongju, Jang Geon-seob vẫn đeo bên người máy ảnh, máy quay phim và hai điện thoại. Buổi đi dạo của chúng tôi đã biến thành một cuộc làm phim của anh, ghi lại những cảm xúc của chúng tôi với mùa thu Hàn Quốc, và thật nhiều hình ảnh chúng tôi với bình minh, cây cỏ, lá mùa thu vàng, đỏ ngời lên trong ánh nắng non buổi sớm, trong cái lạnh ngọt ngào xuống còn 3oC nơi đây, Jang dường như không bỏ qua thứ gì trước mắt anh. Anh ghi lại tất cả bằng ảnh, bằng các đoạn phim. Anh cho biết, tất cả những hình ảnh, tài liệu qua 40 năm làm ký giả của anh vẫn được lưu trữ lại.

Ồ, quá nhiều hình ảnh, tài liệu như thế, máy móc nào chứa nổi! – Tôi thốt lên – Anh lưu trữ tư liệu thế nào?

Tôi ghi vào các ổ cứng di động! – Jang đáp

Vậy thì anh phải có cả ngàn cái ổ cứng! – Tôi nhận xét, thán phục trước khả năng lưu trữ dữ liệu lớn của đồng nghiệp Hàn Quốc. Bản thân tôi cũng làm báo được 30 năm nay, nhưng tư liệu của tôi thường mất hết sau mỗi lần đổi máy tính, hoặc máy tính trục trặc.

Hàng ngày phải chạy nhiều sự kiện như thế, nên Jang ngủ rất ít, ăn rất vội, đi rất nhanh, gần như là chạy. Anh thường về nhà khi đã khuya, thậm chí quá nửa đêm. Về đến nhà, anh chưa nghỉ ngay mà còn tiếp tục xử lý vô vàn hình ảnh đã chụp trong ngày, gửi ảnh cho một số bạn bè có liên quan đến sự kiện. Anh chẳng bao giờ đi ngủ trước 2 giờ sáng. Khi tôi thắc mắc tại sao anh có thể giữ được sức khỏe khi làm việc quá sức như vậy, Jang nói, có lẽ do sâm Hàn Quốc.

Anh sinh ra ở vùng quê Nangsan-myeon Iksan-si thuộc tỉnh Jeollabuk, cách thủ đô Seoul 200 km. Thời nhỏ, sâm trồng quanh nhà rất nhiều, rẻ như bèo. Mẹ anh thường nhổ củ sâm, làm nhiều món ăn, như muối dưa, rồi xào, làm gỏi,… để anh ăn cho khỏe. Mẹ cũng phơi khô, thái lát sâm, bỏ vào túi cho anh mang theo đến trường ăn. Nhưng sâm đắng, hồi nhỏ anh không thích ăn, nên anh thường lén vứt những lát sâm đi khi ra khỏi nhà. Mẹ anh còn nghiền sâm thành bột, pha vào nước ép anh uống. Jang cho rằng, có thể do dùng nhiều sâm từ bé, nên đến giờ anh có sức khỏe hơn người, chưa bao giờ ốm đau phải đi bệnh viện, chẳng tốn một xu thuốc. Khi tôi định ra ngoài đi chơi, Jang nói vui, nếu có ai đó chòng ghẹo tôi, hãy báo cho anh biết để anh xử lý, anh là “đầu gấu” xứ kim chi này, hạ gục tất, không sợ ai cả!

b-quang-1672567056.jpg
Nhà văn Kiều Bích Hậu chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bên những bia đá cõng chữ lên lưng chừng núi.

Không chỉ là một ký giả, Jang Geon-seob còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh, nhiếp ảnh gia, nhà tổ chức nhiều sự kiện văn học nghệ thuật. Anh cũng là giám đốc điều hành của một số hội văn học, mà quan trọng nhất là Hội thơ Hiện đại Hàn Quốc. Anh làm việc gấp năm, bảy lần người khác. Sinh năm 1958, đến nay Jang vẫn làm việc hăng say hơn cả trai trẻ, và vẫn đầy hoài bão, dự định văn chương và kết nối văn học Việt Nam – Hàn Quốc. Thời gian một ngày 24 tiếng không đủ với anh, anh cần gấp đôi, gấp năm lần như thế. Anh hiện đang là đầu mối chính kết nối các hoạt động giao lưu văn học giữa Hội thơ hiện đại Hàn Quốc và Hội nhà văn Việt Nam. Hàng năm, hai Hội đều có các cuộc trao đổi đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sáng tác, thực tế tại nước bạn và tham dự các hội thảo.

Trong sự kiện Hội nghị tác giả văn học tiếng Hàn lần 8 diễn ra tại Gyeongju (Hàn Quốc) từ ngày 01/11- 4/11/2022, Jang Geon-seob đã tích cực kết nối và vận động để Ban tổ chức mời 3 dịch giả Việt Nam là: Lê Đăng Hoan, Kiều Bích Hậu và Đặng Lam Giang sang dự sự kiện ý nghĩa này. Cũng vào cuối tháng 11/2022, anh dẫn đoàn gồm lãnh đạo và các nhà thơ thuộc Hội thơ viết bằng tiếng Hangeul sang Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hải Phòng, sau đó có cuộc thăm hỏi, làm việc với Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam.

Đi lại nhiều lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Jang cho biết anh có tình cảm đặc biệt với đất nước và văn hóa, con người Việt Nam. Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có sự tương đồng về văn hóa nên dễ hiểu nhau, dễ có điều kiện giúp nhau cùng phát triển, nhất là qua cầu nối văn học. Việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn học giữa Việt Nam và Hàn Quốc của Jang còn có một lý do sâu xa, đó là qua hoạt động ấy, anh lại thỏa ước nguyện được đến Việt Nam, gặp bạn văn chương, ăn món ngon ở đây và ghi lại thật nhiều hình ảnh. Mỗi khi Jang chụp cho tôi một kiểu ảnh thật đẹp, tôi khen ngợi anh, thì anh bảo “Không cần khen, chỉ cần lần tới tôi sang Việt Nam, cô cho tôi ăn bún chả là được. Bún chả ở Hà Nội quá rẻ, một suất ngon lành có 35 ngàn đồng, trong khi ở Hàn Quốc là 350 ngàn đồng. Tôi có thể ăn bún chả cả ngày.” Thấy vậy, tôi bèn gọi đùa anh là "ông bún chả", và hứa sẽ chiêu đãi anh món bún chả suốt cả chuyến đi Việt Nam lần tới.

Anh cho biết, lần sang thăm và làm việc tại Việt Nam cuối tháng 11/2022, anh chủ ý sắp xếp để các nhà thơ Hàn Quốc có quyền lực tham gia đoàn, và họ không chỉ là nhà thơ đơn thuần, họ còn là chủ bút các tờ báo, tạp chí, nhà in, là dịch giả… để có thể dịch, xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam ở Hàn Quốc hiệu quả hơn. Anh muốn thay đổi hiện trạng chỉ có văn học Hàn được dịch và xuất bản nhiều ở Việt Nam, trong khi các tác phẩm văn học Việt Nam xuất bản ở Hàn Quốc còn quá ít ỏi.

Sau Hội nghị tác giả văn học tiếng Hàn lần 8, ký giả Jang Geon-seob lái xe vượt hơn 200 cây số đưa dịch giả Lê Đăng Hoan và tôi tới thăm vùng núi thành phố Bo-Ryong thuộc tỉnh Chung cheongnam. Tại đây, chúng tôi tới thăm bia đá kỷ niệm sự hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội thơ hiện đại Hàn Quốc. Tôi ngạc nhiên thấy ở đây dựng rất nhiều bia đá điêu khắc những bài thơ, hoặc đoạn văn của các tác giả Hàn Quốc. Có nhiều những bia đá cõng chữ văn chương lên lưng chừng núi như vậy, thành những công viên văn học độc đáo, đan xen những áng văn chương giữa rừng cây, vách núi hùng vĩ kỳ ảo. Hỏi ra, chúng tôi được biết những tác phẩm điêu khắc văn học trên đá ấy thuộc về nhà thơ, nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp Kim Yoo-je. Anh từng học điêu khắc ở Nhật, và đã dựng 250 tác phẩm điêu khắc thơ trên đá ở vùng núi này. Anh cho biết sẽ phấn đấu làm 1000 tác phẩm điêu khắc đá như vậy cho đến cuối đời. Bài thơ “Thời gian” mà Jang Geon-seob sáng tác năm 1978 cũng được điêu khắc lên đá tại đây, dựng bên vách núi cao, dưới là vực sâu thẳm, thật lãng mạn và kỳ vĩ.

Nhìn cách Jang sống, làm việc, tôi hiểu phần nào đây là lý do vì sao Hàn Quốc phát triển nhanh vũ bão như vậy. Chở chúng tôi trên đường, Jang lái xe thần tốc và khá nguy hiểm như chơi games lái xe trên máy. Anh thậm chí còn dùng điện thoại trong lúc lái xe, tôi hỏi anh không ngại cảnh sát ư? Jang đáp, cảnh sát biết anh là ký giả. Tôi chỉ còn biết cười. Khi chia tay chúng tôi lên sân bay về lại Việt Nam, Jang Geon-seob khá lưu luyến. Anh đến tận khách sạn, tặng quà cho hai chúng tôi, rồi giúp đưa đồ ra bến xe. Tới bến xe, anh tìm mua nước mời chúng tôi uống, sau đó lại dúi vào tay tôi thêm một món quà nho nhỏ nữa. Tôi thật lòng cũng thấy rưng rưng chưa muốn rời nơi đây, nơi không chỉ có một mùa thu vàng rực rỡ, còn có một người bạn gần gũi nhiệt tình, một người anh trân quý luôn hướng về chúng tôi. Xe chạy đi rồi, Jang còn đứng vẫy tay theo. Lát sau anh gửi vào messenger cho tôi bức ảnh kính sau xe anh lá thu vàng rụng phủ kín, thật bâng khuâng…

Văng vẳng trong tôi là lời Jang Geon-seob: “Tôi yêu đất nước Việt Nam, yêu các bạn Việt Nam. Tôi mong Việt Nam phát triển không ngừng, nhất là văn học nghệ thuật, và tôi muốn đóng góp một chút gì cho sự phát triển ấy. Hàn Quốc và Việt Nam, chúng ta thật gần gũi!”

Kiều Bích Hậu