Krông Nô với mục tiêu nâng tầm sản xuất nông nghiệp và giá trị nông sản

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đang được định hướng phát triển theo con đường chuyên nghiệp, tối đa giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân.
nong-dan-krong-no-thu-hoach-lua-vu-dong-xuan-2023-2024-1718615969.jpg
Nông dân Krông Nô thu hoạch lúa vụ đông xuân 2023-2024.

Theo chủ trương chung, sản xuất nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực của huyện Krông Nô. Krông Nô được UBND tỉnh quy hoạch làm vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh. Hàng năm, diện tích gieo trồng của huyện đạt trên 62.000ha, đóng góp khoảng 50% tổng giá trị sản xuất và tương đương trên 6.000 tỷ đồng. Hiện nay, Krông Nô có trên 65% hộ gia đình tham gia sản xuất nông nghiệp.

Huyện có 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1 vùng đang trong giai đoạn thẩm định. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha của huyện hiện nay đạt trên 100 triệu đồng. Nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho nhiều người dân nơi đây.

Cây lúa là nông sản chủ lực của huyện. Hiện nay Krông Nô có tới 95% diện tích gieo trồng lúa thuần chất lượng cao như: ST24, ST25, RVT, HT01… Ngoài cây lúa, huyện cũng tập trung sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với cây bắp, cà phê, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản…

nguoi-dan-xa-buon-choah-huyen-krong-no-phoi-lua-de-dua-vao-xay-xat-1718615990.jpg
Người dân xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô phơi lúa để đưa vào xay xát.

Ông Đoàn Đức Tuấn ở thôn Thanh Sơn (xã Buôn Choáh) là một hộ nông dân có hơn 10ha lúa nước. Hưởng ứng chủ trương hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, gia đình ông sản xuất lúa thương phẩm áp dụng đồng bộ theo quy trình kỹ thuật mới. Ông Tuấn cho biết: “Những năm trước đây, chúng tôi chỉ trồng lúa chứ chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường. Do đó, giá trị nông sản làm ra thấp hơn công sức, chi phí đầu tư”.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Tuấn cho biết hạn chế của sản xuất nông nghiệp truyền thống là tuy tạo ra nhiều sản phẩm nhưng lợi nhuận lại thấp. Mặt khác, nông dân thường hay lạm dụng tài nguyên, vật tư nông nghiệp đầu vào dẫn đến gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày áp dụng mô hình cánh đồng mẫu, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất lúa của ông Tuấn và nông dân xã Buôn Choáh tăng từ 5,8 tấn lên 7,8 tấn/ha/vụ. Chất lượng và giá lúa theo đó cũng tăng lên làm nông dân có lãi.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, toàn huyện đã có trên 2.500ha sản xuất theo tiêu chuẩn. Trong đó, có 16 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP với 4 sản phẩm đạt 4 sao). Ngoài ra còn có 2 nhãn hiệu khác là Lúa gạo Krông Nô và Bơ núi lửa Krông Nô.

nguoi-dan-xa-nam-ndir-huyen-krong-no-tap-ket-phan-bon-de-cham-soc-cho-canh-dong-bap-giong-f1-1718616017.jpg
Người dân xã Nâm N'đir, huyện Krông Nô tập kết phân bón để chăm sóc cho cánh đồng bắp giống F1.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Krông Nô vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Trước hết đó là sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có của huyện. Quy mô sản xuất nhiều nơi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo sự hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp lớn bước vào đầu tư.

Trước thực tế đó, huyện sẽ linh hoạt tổ chức lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia. Trước mắt là ưu tiên nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các công trình thủy lợi trọng điểm. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ như sử dụng giống mới năng suất - chất lượng cao; ứng dụng quy trình công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó tạo ra các sản phẩm an toàn, có sản lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

trong-nhung-nam-qua-krong-no-da-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-tai-co-cau-trong-trot-va-nang-cao-gia-tri-nong-nghiep-1718615939.jpg
Trong những năm qua Krông Nô đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu trồng trọt và nâng cao giá trị nông nghiệp.

Theo ông Trần Đăng Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô: “Huyện đã và đang tích cực hỗ trợ người chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt là từ tìm kiếm chuyển sang nghiên cứu thị trường,chủ động trở thành các nhà sản xuất nông nghiệp, được đặt hàng theo nhu cầu của thị trường.”

Cũng theo ông Ánh để ngành Nông nghiệp của huyện phát triển hiệu quả và bền vững, thì huyện phải tập trung khắc phục những tồn tại, kế thừa và phát triển những thành tựu đã đạt được. “Krông Nô sẽ tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực chế biến sau thu hoạch v2 đa dạng hóa sản phẩm. Cao hơn, huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể nông nghiệp các vấn đề như phát triển nâng cấp bao bì, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho đến tham gia các sàn thương mại điện tử” - ông Ánh khẳng định./.

Kiến Giang