Kon Tum: Phòng, chống hạn hán ở những vùng có nguy cơ cao

Hiện nay, tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đang bước vào cao điểm của mùa khô năm 2022. Mặc dù, chưa xảy ra hạn hán, song theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum, cuối tháng 3 và trong tháng 4/2022, khu vực thành phố Kon Tum và hai huyện Ia H’Drai, Sa Thầy sẽ có nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nước sản xuất.

Đặc biệt, tại huyện Ia H’Drai, địa phương được xem là vùng có nguy cơ hạn hán cao nhất tỉnh còn có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Trước thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đang nỗ lực thực hiện các phương án phòng, chống hạn hán, giảm thiệt hại cho bà con nhân dân.

Huyện Ia H’Drai là địa phương có điều kiện địa hình khá phức tạp, nhiệt độ trung bình luôn ở mức cao nhất của tỉnh Kon Tum. Thổ nhưỡng tại địa phương này cũng không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, chủ yếu là đất pha sét. Vì vậy, tổng diện tích cây cà phê của toàn huyện chỉ đạt 104 ha, lúa Đông Xuân đạt 30 ha. Số diện tích nông nghiệp còn lại chủ yếu là cao su (gần 25.000 ha) do loài cây này không có nhu cầu quá lớn về thổ nhưỡng và nước tưới.

Ông Nguyễn Thanh Tuân, trú thôn 1, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai cho biết, gia đình ông hiện đang trồng 3ha cà phê, xen kẽ lẫn vào trong các vườn cao su. Toàn bộ diện tích này ông được các nông trường cao su cho mượn. Xác định được tính phức tạp của địa hình cũng như nguồn nước, ông Tuân trồng toàn bộ cà phê gần một dòng suối nhỏ để tiện cho việc chăm sóc. Dù đã tận dụng lòng suối để tạo hồ trữ nước, song mỗi lần, ông Tuân chỉ có thể tưới được khoảng 2 tiếng vì hết nước. Muốn có nước tưới tiếp, ông phải chờ ngày hôm sau, khi nước chảy từ suối về lòng hồ đủ để tưới.

“Vợ chồng tôi ngoài đi làm cao su mướn ra thì cũng trông chờ vào diện tích cà phê này. Nhưng nguồn nước tưới eo hẹp khiến thu nhập từ cà phê chẳng được bao. Niên vụ 2021, gia đình tôi chỉ thu được khoảng 120 triệu đồng từ tiền bán cà phê, trừ hết chi phí gần như không còn lợi nhuận. Kinh tế gia đình vì thế cũng khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào tiền đi cạo mủ cao su thuê và chăn nuôi bò”, ông Tuân bộc bạch.

Theo ông Trần Văn Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia H’Drai, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới là bởi các diện tích cà phê thường được bà con nhân dân canh tác xen kẽ với các nông trường cao su, cách xa nguồn nước hoặc nguồn nước tưới không đảm bảo nhu cầu. Bên cạnh đó, do địa hình phức tạp, địa bàn rộng nên việc dẫn kênh mương thủy lợi về các diện tích nhỏ, lẻ, xen kẽ gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ eo hẹp về nguồn nước tưới tiêu, người dân tại huyện Ia H’Drai cũng gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Nguyên nhân vẫn đến từ điều kiện thổ nhưỡng phức tạp, mạch nước ngầm nằm sâu dưới lòng đất và rất khó tìm. Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia H’Drai cho biết, trước đây đã từng có đơn vị khoan 8 giếng mới tìm được một cái có nước, nên việc tìm nguồn nước sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.

20200310165742mot-so-ho-dap-da-can-nuoc-1648024833.jpeg
Ảnh minh hoạ

Trước thực tế khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai đã tiến hành xây dựng 9 công trình đầu tư tập trung để cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn; trong đó, có 7 công trình được huyện đầu tư theo nhóm hộ; một công trình cung cấp nước tập trung do huyện đầu tư đang được vận hành, cung cấp nước cho bà con tại hai xã Ia Tơi và Ia Dom; một công trình cung cấp nước cho thôn 9, thôn Ia Đơr, xã Ia Tơi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư đang chuẩn bị được bàn giao và đưa vào vận hành trong mùa khô 2022.

Chị Lữ Thị Thanh, trú thôn 1, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai cho biết, trước đây, khi công trình cấp nước chưa được xây dựng, gia đình chị cũng như các hộ dân xung quanh đều phải ra sông Sa Thầy, cách khu dân cư khoảng 2km để lấy nước sinh hoạt cũng như tắm rửa, giặt giũ. Tuy nhiên, từ khi Công trình cấp nước và hạng mục phụ trợ thôn 1, xã Ia Đal được đưa vào sử dụng năm 2020, gia đình chị cùng gần 20 hộ dân khác đã có nước sinh hoạt.

“Từ khi có công trình cấp nước, bà con rất là mừng. Gia đình mình có 6 người cả già, cả trẻ nhỏ vẫn đủ nước để sử dụng cho việc đun nấu, rửa dọn. Tuy nhiên, do lượng nước không nhiều, nên mình cũng sử dụng tiết kiệm, việc giặt giũ vẫn phải ra sông Sa Thầy để tiết kiệm nguồn nước sạch”, chi Thanh chia sẻ.

Theo ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, ngay từ năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch để ứng phó với các loại hình thiên tai; trong đó có công tác ứng phó với hạn hán. Theo đó, huyện Ia H’Drai đã yêu cầu ngành nông nghiệp và Ủy ban nhân dân ba xã Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đal hướng dẫn cho bà con nhân dân gieo trồng đúng lịch thời vụ, sử dụng các giống cây chịu hạn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang ngô, rau, đậu,… đối với các diện tích thường xuyên bị hạn.

Đối với nước sinh hoạt, Ủy ban nhân dân các xã phải thực hiện vận động nhân dân trong khu vực hưởng lợi từ các công trình tự chảy, công trình cấp nước phải thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống chính, bể chứa, chống rò rỉ, lãng phí nước. Đặc biệt, phải sử dụng các vật dụng như bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước,.. để dự trữ nước sạch.

Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán. Tuy nhiên, UBND huyện sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để phòng, chống hạn hán; trong đó, sẽ đề xuất xây dựng các công trình cấp nước tập trung để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con nhân dân ở phía Nam xã Ia Đal.

Bên cạnh đó, huyện sẽ đầu tư các hồ chứa nước, thực hiện theo quy hoạch; tăng cường quản lý, tiết kiệm nước trong mùa khô. Đồng thời, đầu tư các công trình trọng điểm, đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, khắc phục tình trạng thiếu nước ở một số điểm cục bộ.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, để phòng, chống thiệt hại do hạn hán gây nên, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là đối với ba địa phương có nguy cơ hạn hán cao là thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy và huyện Ia H'Drai cũng như các đơn vị quản lý khai thác công trình triển khai các biện pháp phòng chống hạn.

Cùng với đó, các địa phương cần thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ nước cho các nhu cầu thiết yếu trong cả mùa khô. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.../.