Kinh tế TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong tháng 4/2022, kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt một số lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, thương mại dịch vụ, hoạt động xuất khẩu đã có dấu hiệu khởi sắc.

Chiều 26/4/2022, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và thu chi ngân sách tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2022. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp cùng với sự tham dự của các Phó chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Báo cáo về tình hình kinh tế của Thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, kinh tế Thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong tháng 4, một số lĩnh vực kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ.

kinh-te-tp-hcm-phuc-hoi-manh-me-trong-thang-4-2022-1651073270.jpg
Buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 4 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 năm 2022. Ảnh https://voh.com.vn/

Trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của TP.HCM tăng 2% so với tháng 3 năm 2022 và tăng 9,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 4 duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi. Ngành lưu trú và ăn uống tăng hơn 12% so với tháng trước; dịch vụ lữ hành tăng hơn 18%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách nhà nước của Thành phố ước trên 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán, tăng 13,87% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

"Mặc dù còn khó khăn do tác động của đại dịch, nhưng một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài", lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết.

Đáng chú ý, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và kinh tế dần phục hồi đã giúp thị trường du lịch có dấu hiệu "ấm" dần. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 4/2022 ước đạt 8.761 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 1,97 triệu lượt, tăng 56,7%, trong khi khách quốc tế ghi nhận hơn 114.728 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của các Sở, ngành, hiện nay nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố đã có kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường; việc sản xuất đi vào ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ,… kích cầu tiêu dùng.

Để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Phạm Thị Hồng Hà đề xuất, trong tháng 5 TP.HCM tổ chức rà soát, sắp xếp lại việc xử lý tài sản công, phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng tài sản đất theo hình thức đấu gía nhưng chưa thực hiện được.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị nâng cao hoạt động của các tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, vừa qua, các tổ công tác này phát huy được vai trò như đã cho ý kiến tháo gỡ quỹ 20% nhà ở xã hội hay việc định giá các công trình. Về việc tổ chức bắn pháo hoa, Chủ tịch UBND TP.HCM - Phan Văn Mãi cho biết: “Có hai luồng ý kiến, thường trực UBND Thành phố đã cân nhắc rất nhiều có nên tổ chức bắn pháo hoa. Tuy nhiên, sau nhiều năm không triển khai, Thành phố cố gắng khôi phục lại hoạt động này để có món ăn tinh thần cho người dân.

Dù vậy, việc này cũng có nhiều nguy cơ. Nếu trước đây bắn 4 điểm, nay bắn 2 điểm thì sẽ dẫn đến tình trạng dồn về nơi này, nên công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối là nhiệm vụ phải đặt ra”.

Anh Vân (t/h)