Theo các nhà chức trách Singapore cho biết, giá tiêu dùng ở Singapore tiếp tục tăng trong tháng 8 năm nay và đã lên mức cao nhất trong gần 14 năm qua. Các mặt hàng thực phẩm và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, chi phí đi lại, tiền thuê nhà, chi phí lương thực thực phẩm và dịch vụ đắt đỏ hơn. Điều này khiến cho Singapore khó có thể duy trì lạm phát cơ bản trong năm nay ở mức trung bình từ 3 - 4%.
Thống kê cho thấy lạm phát cơ bản trong tháng 8 của Singapore không bao gồm chi phí đi lại và ăn ở cá nhân đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ngày càng tiến sát mức cao nhất trong 14 năm - mức lạm phát 5,5% ghi nhận hồi 2008.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng căng thẳng địa chính trị, giá cả hàng hóa toàn cầu tăng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cùng nhiều yếu tố khác sẽ làm tăng thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới nói chung và Singapore nói riêng.
Mặc dù vậy, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) vẫn duy trì dự báo lạm phát cho cả năm 2022, theo đó dự báo lạm phát tổng thể vẫn ở mức từ 5-6%, trong khi lạm phát cơ bản ở mức trung bình từ 3-4%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà kinh tế, để duy trì được mức dự báo này, thì lạm phát hàng tháng trong thời gian còn lại của năm của Singapore cần phải tăng vừa phải hơn và điều đó dường như không khả thi.
Cơ quan tiền tệ Singapore (Ngân hàng trung ương – MAS) đã và đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Động thái này có nghĩa là đồng SGD mạnh hơn sẽ làm cho nhập khẩu rẻ hơn và xuất khẩu đắt hơn.
Tuy nhiên, MAS đã cảnh báo rằng nó cũng có nguy cơ làm chậm lại nền kinh tế. Dự kiến MAS sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào giữa tháng 10 tới do áp lực lạm phát tăng mạnh.