Kiến trúc Việt Nam cần hướng đến phát triển xanh

Việc phát huy tính chủ động, tiên phong của kiến trúc sư trong quy hoạch, xây dựng đất nước, các dự án lớn theo hướng bền vững, hiện đại, văn minh và bản sắc, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số; tích hợp đầy đủ các yếu tố tự nhiên - văn hóa - xã hội - môi trường - khoa học công nghệ - kinh tế trong thiết lập và quản lý quy hoạch theo hướng xanh, bền vững, toát lên tinh thần của người Việt.
kien-truc-dnktx1-1747801648.jpg
Các đại biểu thảo luận về kiến trúc Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: “Với sự đồng hành của nhiều thế hệ kiến trúc sư, sau 50 năm thống nhất, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và đổi thay vượt bậc trong lĩnh vực xây dựng, kiến thiết cả về chất và lượng trên khắp mọi miền đất nước” tại Hội thảo 'Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất' diễn ra ngày 20/5, tại Hà Nội.

“Từ đây, giới kiến trúc Việt Nam phát huy sáng tạo, phấn đấu đưa nền kiến trúc nước nhà phát triển bền vững, hiện đại văn minh và bản sắc, lấy con người làm trung tâm, trong kỷ nguyên phát triển mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn nhấn mạnh.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu của giới kiến trúc với chủ đề phong phú, đa dạng, đưa ra góc nhìn cả khái quát và chuyên sâu về thành tựu, thách thức trong thực tiễn phát triển ngành trong 50 năm qua.

Những cộng trình  kiến trúc đã hiện diện sâu sắc trong từng chuyển động phát triển của đất nước. Đặc biệt, các xu hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu và tôn vinh bản sắc truyền thống đang ngày càng được chú trọng và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng kiến trúc sư và xã hội; khẳng định năng lực sáng tạo không ngừng của đội ngũ kiến trúc sư nước nhà.

Đánh giá chung về kiến trúc Việt Nam nửa thế kỷ qua, GS.TS, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn đã nhanh chóng đổi mới công tác quy hoạch theo hướng tiệm cận với thế giới, góp phần để đô thị và nông thôn nước ta phát triển hiện đại và có bản sắc. Các xu hướng kiến trúc nhiệt đới, kiến trúc bản địa và kiến trúc xanh phát triển mạnh. Đây là các xu hướng có sự kế thừa và phát triển kết hợp với khai thác tri thức bản địa, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và văn hóa vùng miền, đã và đang góp phần tạo nên sự đa dạng và có đặc trưng của kiến trúc đương đại Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa…

kien-truc-dnktx-1747801669.jpg
Trụ sở Viettel tại Hà Nội biểu tượng mô hình kiến trúc xanh.

Đóng góp vào dòng chảy kiến trúc Việt Nam, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, trong 50 năm qua, kiến trúc Hà Nội đã trải qua một hành trình chuyển đổi sâu sắc, phản ánh các biến đổi lịch sử, kinh tế và xã hội của Việt Nam. Từ giai đoạn phục hồi hậu chiến và kiến trúc bao cấp (1975-1986), với các công trình như Khu chung cư Giảng Võ, Khách sạn Thắng Lợi, Cung Thiếu nhi Hà Nội... Hà Nội đã định hình bản sắc đô thị thông qua các mô hình tiểu khu và phong cách hiện đại bản địa, chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Xô Viết và quốc tế.

Giai đoạn chuyển đổi thị trường (1986-2000) chứng kiến sự đa dạng hóa kiến trúc, với Khu nhà ở Vạn Phúc, Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, Trung tâm Âm thanh Đài Tiếng nói Việt Nam… phản ánh sự giao thoa giữa tư duy bao cấp và kinh tế thị trường, đồng thời đặt nền móng cho các khu đô thị mới. Giai đoạn hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2000-2025) mang đến các công trình biểu tượng như khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Tòa nhà Viettel, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam... thể hiện phong cách hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến và xu hướng bền vững.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải, các công trình tiêu biểu này không chỉ đóng vai trò là điểm nhấn trong cảnh quan đô thị, mà còn lưu giữ ký ức lịch sử và văn hóa của Hà Nội, từ tinh thần tập thể hậu chiến đến tham vọng hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là bảo tồn các công trình di sản trước áp lực phát triển kinh tế và sự xuống cấp vật lý, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nhà ở và không gian công cộng hiện đại.

Giống như kiến trúc Hà Nội, kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trên cả nước đối mặt với thách thức phát triển trong thời kỳ mới.

Nhận định, kiến trúc Việt Nam trở nên đa chiều, đa sắc, hội nhập quốc tế, song kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã chỉ ra rằng, nhiều công trình mang tính biểu tượng quốc gia, có vốn đầu tư lớn và tính đại diện cao lại thường được giao cho các đơn vị kiến trúc quốc tế, bởi danh tiếng và uy tín toàn cầu của họ, khả năng đáp ứng chuẩn mực quốc tế. “Tuy nhiên, điều này đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm về vị trí, vai trò của kiến trúc sư Việt ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Liệu chúng ta có đang bị lép vế trước sức mạnh tổ chức, công nghệ và mạng lưới toàn cầu của các đồng nghiệp bên ngoài?”, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đặt vấn đề.

Khẳng định, kiến trúc Việt Nam sẽ hướng đến phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, văn minh và bản sắc, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó có việc phát huy tính chủ động, tiên phong của kiến trúc sư, Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong quy hoạch, xây dựng đất nước, các dự án lớn; ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số; tích hợp đầy đủ các yếu tố tự nhiên - văn hóa - xã hội - môi trường - khoa học công nghệ - kinh tế trong thiết lập và quản lý quy hoạch theo hướng xanh, bền vững, toát lên tinh thần của người Việt./.

 

Sơn Trần