Ngay trong sáng 20/10, không gian văn hóa kỹ thuật số Sống Lab tại tòa nhà Sống Platform (TP. Huế) đã thu hút rất đông người tham quan. Với không gian trưng bày, trải nghiệm được thiết kế như một bảo tàng, Sống Lab triển khai các chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa cho người dân gồm các chủ đề: “Những kỷ vật đằng sau cánh cửa, Bàn luận về văn hóa và kiến trúc từ góc nhìn di sản”.
Được biết, không gian Sống Lab có diện tích hơn 1.000 m2 gồm 5 phòng tham quan, trưng bày với tổng mức đầu tư lên đến 2 triệu USD (khoảng 50 tỷ đồng). Dự án lần này do anh Dương Đỗ - CEO mô hình co-working space nổi tiếng Toong (tổ ong), đầu tư và triển khai.
Sống Lab là một phần trong tổng thể dự án Sống Platform. Không gian này tạo ra sự đổi mới trong cách thưởng lãm nghệ thuật ở Việt Nam, khuyến khích con người vượt giới hạn cá nhân và cổ vũ tinh thần sáng tạo từ những điều tốt đẹp.
Tại mỗi căn phòng của Sống Lab đều được trang bị hệ thống đèn lazer, màn hình, loa… hiện đại để phù hợp với mục đích trưng bày, trình diễn khác nhau. Có phòng trình chiếu trên màn hình, có phòng kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, có phòng trải nghiệm nghệ thuật nhập vai…
Sống Lab hiện đang trưng bày 5 tác phẩm kỹ thuật số: “Đâm chồi nảy lộc”, “Hồng Sắc Long”, “Mọi miền tiềm thức”, “Một tram” và “Như một dòng chảy”. Tất cả các tác phẩm đều được thể hiện dưới dạng phim đồ họa 3D kết hợp âm thanh và nghệ thuật trình chiếu ánh sáng lên không gian (3D Mapping). Hầu hết các tác phẩm đều đậm chất Huế. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, các nghệ sĩ giúp khách tham quan có một góc nhìn sống động về di sản và văn hóa địa phương.
Bước chân vào Sống Lab, người xem sẽ được trải nghiệm nghệ thuật thị giác khá dễ hiểu và dễ tiếp cận chứ không còn là ngôn ngữ nghệ thuật mang tính hàn lâm thường thấy. Ở đây kết hợp cả âm thanh, ánh sáng và mùi hương… tạo thành một không gian thưởng lãm nghệ thuật mới lạ và thú vị. Người xem không chỉ được bước chân vào thế giới nghệ thuật, trở thành một phần của nó mà còn có thể tương tác trực tiếp với nó. Đây là điểm nhấn sáng tạo rất lớn khi xu hướng thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ, nhất là khán giả gen Z hiện nay, ngày càng hiện đại.
Trải nghiệm ngay ngày đầu tiên ra mắt, chị Trương Thị Ý Lan (TP. Huế) chia sẻ: “Thích nhất là không gian này tương tác với mình mọi lúc mọi nơi. Khi chạm tay vào tường sẽ xuất hiện hình ong bướm, từng bước chân của mình cảm giác như đang được đi dưới nước”…
Chia sẻ về ý đồ trong kỹ thuật của dự án lần này, ông Dương Đỗ tâm sự “Người đến để thưởng thức các tác phẩm đẹp, chụp vài tấm hình thì đã thỏa mãn nhu cầu giải trí. Người đến để khám phá khoa học sẽ học thêm những điều mới mẻ, thì thoả mãn nhu cầu giáo dục. Người ở trình độ cao hơn thì sẽ hòa mình vào bầu không khí mang đậm cảm hứng di sản, văn hóa… Mỗi người đến đây đều sẽ có cách trải nghiệm khác nhau”.
Trước những gì mà dự án này mang lại, Trường Đại học Nghệ thuật Huế dự kiến thời gian tới sẽ hợp tác với Sống Lab trong nhiều lĩnh vực như: giao lưu văn hóa quốc tế, workshop chuyên đề, chương trình cộng đồng, trò chuyện về nghệ thuật đương đại, trưng bày các sản phẩm đào tạo… để trau dồi thêm kiến thức về khoa học kỹ thuật cũng như giá trị văn hóa cho sinh viên.
Việc ứng dụng số hóa để tan tỏa giá trị văn hóa này không chỉ tăng thêm niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là sản phẩm du lịch nổi bật dành cho du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra còn góp phần nâng cao vị thế về du lịch và di sản cho thành phố Huế. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023 sẽ còn nhiều hạng mục khác tiếp tục được hoàn thiện; phục vụ nhu cầu từ trao đổi, suy nghĩ, kiến tạo đến cả nhu cầu tìm cảm hứng cho nghệ thuật và cuộc sống.