Khánh thành công trình tu bổ Khu Di tích Quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu

Nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022), ngày 21/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp UBND huyện Thiệu Hóa tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ Khu Di tích Quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung và dâng hương tưởng nhớ Nhà sử học Lê Văn Hưu.
den-tho-le-van-huu-1-1650598573.jpg
Khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). (Ảnh: Lường Toán- Hồng Đức/ Báo Giáo dục thời đại)

Nhà sử học Lê Văn Hưu sinh năm 1230 ở làng Phủ Lý, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, ông mất năm Nhâm Tuất 1322, hưởng thọ 93 tuổi. Bằng tài năng, đức độ hơn người, Lê Văn Hưu đã ghi tên mình vào danh sách danh nhân văn hóa Việt Nam.

Để ghi nhớ những công lao, đóng góp to lớn của Bảng nhãn Lê Văn Hưu với nền Sử học nước nhà, năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trải qua thời gian dài tồn tại, cùng với sự tàn phá của khí hậu khắc nghiệt, đền thờ Lê Văn Hưu đã bị xuống cấp, hư hại. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và các cấp chính quyền, ngày 11/3/2019 UBND huyện Thiệu Hoá đã ra Quyết định Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử Đền thờ Lê Văn Hưu. Công trình có quy mô gồm 9 hạng mục, với tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách của tỉnh là 10 tỷ đồng.

Công trình đã triển khai thực hiện các hạng mục, gồm: Đền thờ chính, nội thất đồ thờ, tường thờ, cổng tứ trụ, nhà từ đền, nhà bia, cổng sang chùa, am hóa vàng, giếng ngọc, ao đền, bình phong, bãi đỗ xe, khuôn viên…

Ngày 21/4, dự án tu bổ, tôn tạo Khu Di tích Quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đền thờ Lê Văn Hưu sẽ là điểm đến linh thiêng, là địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý chí, tinh thần vượt khó của ông cha ta, lan toả tinh thần đoàn kết thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên với lòng thành kính và biết ơn nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam.

Nhân dịp này, UBND huyện Thiệu Hóa cũng tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc nhân Kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu.

Danh nhân Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, từ thuở nhỏ, ông đã sớm thể hiện tư chất thông minh và có chí hướng lập công danh, làm rạng rỡ quê hương, đất nước.

Năm 18 tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng Nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần. Ông được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần như: Kiểm pháp quan, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải.

Ông tinh thông võ nghệ, giỏi thư thi, trở thành Thượng tướng quân vang danh trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.

Không chỉ là bảng nhãn đầu tiên, nhà giáo, nhà chính trị, quân sự, nhà văn hoá lớn ở thế kỷ XIII - XIV, Lê Văn Hưu còn là nhà sử học lỗi lạc đầu tiên của đất nước.

Ông là tác giả của tác phẩm lịch sử nổi tiếng “Đại Việt sử ký,” bộ sách gồm 30 quyển, trình bày diện mạo lịch sử nước ta qua gần 15 thế kỷ (từ năm 207 trước Công nguyên đến năm 1244). Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen và được Ngô Sĩ Liên, sử thần thời Hậu Lê căn cứ để biên soạn “Đại Việt Sử ký toàn thư".

Ông mất vào năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông vẫn còn trên đất Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Tạ Nhị (t/h)