Côn Sơn – Kiếp Bạc: Khu di tích tuyệt đẹp giữa rừng thông

Với sự nỗ lực bồi đắp của các thế hệ, đến nay khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã được bao phủ bởi bạt ngàn cây xanh, đưa nơi đây trở thành chốn "tùng lâm đẹp đẽ".

Năm 1965, tại chùa Côn Sơn, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để nơi đây trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ.

Theo Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, Côn Sơn là một đại danh lam, thắng tích của đất nước, gắn liền với Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Trong lịch sử hơn 700 năm qua, khu di tích gồm núi Côn Sơn, am Bạch Vân, hồ Côn Sơn, chùa Côn Sơn và núi Ngũ Nhạc. Các kiến trúc tôn giáo gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, với rừng Côn Sơn không thay đổi.

anh-61-1645254767.jpg
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được bao phủ bởi bạt ngàn cây xanh

Để có một Côn Sơn đẹp đẽ ngày nay với kiến trúc và thiên nhiên dung hòa là công sức của bao thế hệ. Từ năm 1960, Côn Sơn là di tích cấp quốc gia được xếp hạng ngay đợt đầu, đến năm 2012 trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2010, khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch tổng thể, vẫn gồm hệ thống di tích và cảnh quan môi trường.

Rừng Côn Sơn được xác định rất quan trọng, gắn bó mật thiết và không thể tách rời, trực tiếp tạo nên cảnh quan, không gian cho toàn bộ khu di tích. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, vườn thực vật Côn Sơn được xây dựng, quy tụ vơi hơn 600 loại gen cây của toàn quốc, được coi là vườn bảo vệ các loài gen quý trong cả nước.

Nhưng từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, rừng trúc, rừng tùng, thảm thực vật bị tàn phá hoàn toàn, chỉ còn lại rất ít cây thông. Việc phục hồi rừng khu di tích Côn Sơn không chỉ làm sống lại những cánh rừng tự nhiên mà phải gắn rừng với khu di tích, danh lam thắng cảnh bậc nhất quốc gia, phải bảo đảm được giá trị về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng.

anh-62-1645254739.jpg
Những cây thông bao phủ khu di tích

Với đặc trưng của rừng Côn Sơn, việc phục hồi bắt buộc phải giữ được những loài cây ưu thế, đã gắn liền với lịch sử khu di tích, đã được sử sách, thơ văn ghi chép, đó là thông, tùng, trúc, mai, tre và thảm thực vật gồm hàng trăm cây hương liệu, cây thuốc quý. Bởi vậy, trải qua nhiều năm, việc bảo vệ, cải tạo, trồng rừng ở đây được đặc biệt quan tâm, nhất là vào Tết trồng cây mùa xuân hàng năm.

Từng cánh rừng lần lượt xanh, chim muông trở về trú ngụ. Đến thời điểm hiện tại, về với Côn Sơn, du khách không chỉ được chiêm bái các công trình Phật giáo, tìm hiểu về các danh nhân, hiền sĩ, lịch sử của khu di tích mà còn được hòa mình vào không gian xanh ngút ngàn.

Theo Ban Quản lý rừng Hải Dương, hiện khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có khoảng 1.500 ha rừng, trong đó có khoảng 600 ha rừng thông già, phần còn lại là rừng trồng mới. Rừng được bảo tồn và phục hồi tích cực, diện tích trồng bổ sung đạt từ 10-20 ha mỗi năm... Núi rừng Côn Sơn xanh thẳm ngút ngàn tầm mắt. Màu xanh đã trở lại nơi này bền vững, bao bọc lấy giá trị trường tồn của khu di tích quốc gia đặc biệt.

Dương Minh