Cụ thể, trong năm 2022, Thái Bình tiếp tục là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 155 nghìn ha/năm, sản lượng thóc đạt khoảng 1,0 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 40% sản lượng tiêu thụ tại tỉnh, 60% bán trong nước và xuất khẩu; đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhiều năm trở lại đây, Thái Bình đạt năng suất lúa đều trên 130 tạ/ha/năm, đây là năng suất cao so với mức trung bình cả nước.
Cơ cấu giống lúa đang được chuyển đổi mạnh theo hướng tăng nhanh giống lúa chất lượng cao gồm: Đài Thơm 8, Bắc Thơm, Japonica. Bên cạnh đó, có một số giống đặc sản cổ truyền của địa phương như: Nếp Bể xã Duy Nhất huyện Vũ Thư; Nếp Tam Xuân, lúa Hom huyện Quỳnh Phụ; Nếp truyền thống của xã Tây Sơn huyện Kiến Xương..,tỷ lệ giống lúa chất lượng cao trung bình toàn tỉnh đạt trên 40%.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát chế biến lúa gạo, trong đó, có 20 Công ty, 4 Hợp tác xã (HTX) có quy mô vừa và lớn, áp dụng dây truyền hiện đại, tự động hóa trong xay xát; 170 cơ sở sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình. Tổng công suất chế biến trên 200.000 tấn/năm. Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 nhãn hiệu và đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình.
Một số nhãn hiệu được người tiêu dùng ưa thích như: Gạo Làng Giắng, Gạo Nếp Keo, Gạo chợ Gốc, Gạo hữu cơ Đài thơm 8, Gạo 3T, A Sào, Niêu Vàng, Gạo dinh dưỡng lứt tím, Gạo tám thơm Tiền Hải, Gạo Hoa Cúc vàng; một số sản phẩm gạo đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, và đề nghị xếp hạng 4 sao. Đặc biệt năm 2022, gạo TBR39 đã giành Giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Việt Nam, đây là cơ hội, lợi thế để gạo Thái Bình nói chung tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, quy cách sản phẩm và bao gói để thâm nhập và mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội từ 16 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết tham gia để mở rộng thị trường.
Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: “Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành một số chương trình, đề án, kế hoạch phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu như: Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Quyết định 1163/QĐ- TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;... và một số chương trình, kế hoạch khác.” nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực, xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản, công nghiệp tiêu biểu góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong những năm qua, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục … góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có ngành hàng lúa gạo".
Đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình chia sẻ, việc tiêu thụ và phát triển thương hiệu lúa gạo của tỉnh Thái Bình trên thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đúng với năng lực sản xuất của địa phương. Lý do hiện nay là người nông dân vẫn canh tác và bán hàng tự phát, sản phẩm không bao bì, nhãn mác hoặc đóng gói theo tên riêng của đơn vị, chất lượng sản phẩm chưa được giám sát, quản lý. Người tiêu dùng khó nhận biết sản phẩm, quảng bá sản phẩm đặc trưng cho vùng sản xuất bị hạn chế.
CEO ThaiBinh Seed - Doanh nhân Trần Mạnh Báo cho rằng, để phát triển thương hiệu lúa, gạo tỉnh Thái Bình cần có sự đổi mới; cần thực hiện chuỗi các hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ và cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất. Từ góc độ doanh nghiệp, CEO ThaiBinh Seed cũng đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; mở rộng thị trường phân phối hiện đại, tích cực đưa sản phẩm nông sản Thái Bình kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu gạo Thái Bình tăng cường kết nối giao thương, hướng đến xuất khẩu.
Đặc biệt, ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh, để gạo Thái Bình được đi xa hơn, mạnh hơn việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Thái Bình là vô cùng quan trọng. Với kinh nghiệm nhiều năm, ông cho rằng việc doanh nghiệp Thái Bình tạo ra giống lúa tốt, sản phẩm gạo tốt nhưng tới nay chưa xây dựng được thương hiệu gạo của Thái Bình là điều thiếu sót. Các doanh nghiệp phải cùng các cơ quan địa phương vào cuộc khẩn trương để triển khai, phát triển thương hiệu gạo riêng của Thái Bình mạnh hơn nữa.