Khai phá nội lực, đưa vùng biên giới Tuy Đức vươn lên

Kết nối chặt chẽ quy hoạch với chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh, Tuy Đức đang trên đường phát huy các tiềm năng, lợi thế của mình để trở thành huyện biên giới phát triển nhất của Đắk Nông.
huyen-tuy-duc-duoc-dau-tu-nang-cap-ve-ha-tang-giao-thong-de-ket-noi-den-cac-dia-phuong-khac-1714363976.jpg
Huyện Tuy Đức được đầu tư, nâng cấp về hạ tầng giao thông để kết nối đến các địa phương khác.

Giàu tiềm năng về nông nghiệp, lịch sử và du lịch

Tuy Đức là huyện biên giới nằm ở phía Tây Nam của Đắk Nông, cách TP. Gia Nghĩa hơn 60km. Huyện có diện tích tự nhiên của hơn 111.894ha. Tuy Đức có 6 đơn vị hành chính cấp xã là: Đắk Ngo, Quảng Tân, Đắk Búk So, Đắk R'tíh, Quảng Tâm, Quảng Trực. Đắk Búk So và Quảng Trực là 2 xã biên giới. Tuy Đức có khoảng 42km đường biên giới giáp huyện Ô Rang (tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia).

Hiện nay, dân số huyện Tuy Đức vào khoảng 68.095 người. Trong đó, người dân tộc thiểu số có khoảng 28.120 người, chiếm 41,29% dân số toàn huyện. Cộng đồng dân cư trên toàn địa bàn gồm có 16 dân tộc với người Kinh chiếm đa số. Còn lại là người dân tộc thiểu số như: người M'nông, Tày, Ê đê, Nùng, Dao, Thái...

Tuy Đức có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử Anh hùng dân tộc M’nông Nơ Trang Lơng; Di tích đồn Bu Mêra; Bia tưởng niệm Henry Maitre; làng Bu Nơr A, B - đây là quê hương của nghĩa quân, cũng là nơi Henry Maitre bị nghĩa quân tiêu diệt vào năm 1914)...

di-tich-anh-hung-ntrang-long-tai-huyen-tuy-duc-1714364022.jpg
Di tích anh hùng N’Trang Lơng tại huyện Tuy Đức.

Đối với việc phát triển du lịch, Tuy Đức đang có tiềm năng rất lớn. Huyện sở hữu khí hậu ôn hòa với những cánh rừng già hoang sơ, hùng vĩ cùng các thác nước nên thơ. Ngoài các tiềm năng du lịch tự nhiên, Tuy Đức được nhận định có thể phát triển mạnh về du lịch văn hóa và lịch sử. Một số địa điểm đáng chú ý đó là: Thác Đắk G’lun; Khu di tích lịch sử thủ lĩnh dân tộc N'Trang Lơng…

Về mặt giao thương, kết nối quốc tế trên địa bàn huyện Tuy Đức có cửa khẩu Bu P'răng ở biên giới Campuchia. Tại đây, hàng loạt hệ thống khách sạn cùng nhà nghỉ đang từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp, có thể đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong tương lai.

thac-dak-glung-mot-trong-so-cac-thac-nuoc-dep-va-hung-vi-cua-tuy-duc-1714363824.jpg
Thác Đắk G'Lung - một trong số các thác nước đẹp và hùng vĩ của Tuy Đức.

Trong lĩnh nông nghiệp, Tuy Đức đang có nhiều thuận lợi khi nắm giữ gần 50.000ha đất canh tác cho các hoạt động sản xuất và trồng trọt. Huyện xác định đây là chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và là nguồn thu nhập chính cho phần lớn người dân ở địa phương.

Lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức nhận định: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện ngày càng nhanh hơn. Hạ tầng giao thông không ngừng được huyện đầu tư, nâng cấp, mở rộng và kết nối đến các địa phương khác. Đây là cơ sở đưa Tuy Đức phát triển tăng tốc về kinh tế - xã hội trong thời gian tới”.

Quy hoạch chặt chẽ, lấy hạ tầng kinh tế - xã hội làm trọng tâm

Thời điểm hiện tại, huyện Tuy Đức đang triển khai khu trung tâm thị trấn huyện lỵ huyện Tuy Đức rộng hơn 961ha. Đây là phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, nối Tuy Đức và Đắk Song thành một vùng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023. UBND huyện đang triển khai các bước lập đồ án điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung thị trấn Tuy Đức đến năm 2035, dự kiến hoàn thành quý IV/2024 để trình UBND tỉnh phê duyệt.

mot-phan-huyen-ly-dak-buk-so-o-tuy-duc-1714364073.jpg
Một phần huyện lỵ Đắk Buk So ở Tuy Đức.

Theo quy hoạch, đô thị Đắk Búk So với tổng diện tích 95,34ha sẽ là điểm nhấn chính của huyện. Ngoài ra, còn có 15,06ha dành cho cây xanh và 80,26ha dành cho cảnh quan, mặt nước. Các khu vực công cộng thuộc trung tâm xã Đắk Búk So đang có hơn 1.500 cây xanh bóng mát, chủ yếu là các loại cây gồm sao đen, dầu rái và thông 3 lá. Ngoài ra còn có các loại cây tạo hình và thảm cỏ. Tất cả đều được tôn tạo và chăm sóc kỹ lưỡng.

Ngoài ra, còn có 6 xã đã được phê duyệt đồ án quy hoạch theo chương trình Xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, 5 xã gồm Quảng Tân, Quảng Tâm, Quảng Trực, Đắk Ngo và Đắk R’tíh đã được UBND huyện phê duyệt dự toán quy hoạch và đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

luan-canh-cay-trong-giup-nguoi-dan-tuy-duc-tap-trung-phat-trien-tot-kinh-te-va-nang-cao-thu-nhap-1714364124.jpg
Luân canh cây trồng giúp người dân Tuy Đức tập trung phát triển tốt kinh tế và nâng cao thu nhập.

Ông Đinh Ngọc Nhân - Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, việc xây dựng quy hoạch huyện Tuy Đức dựa trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. “Bám quy hoạch để phát triển sẽ giúp huyện Tuy Đức kết nối chặt chẽ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Nó cũng phù hợp với khả năng đô thị hóa và đầu tư xây dựng hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn”, ông Nhân phân tích.

Trong quá trình triển khai quy hoạch, huyện Tuy Đức gặp một số vướng mắc nhất định. Đó là farmstay, homestay đã được một số đầu tư xây dựng, nhưng chưa phù hợp với quy hoạch đất đai của huyện. Về vấn đề này, UBND huyện đã đề nghị Sở Xây dựng có những hướng dẫn và giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng trên địa bàn huyện.

hat-mac-ca-la-nong-san-chu-luc-giup-nhieu-nguoi-dan-tuy-duc-doi-doi-1714364225.jpg
Hạt mắc ca là nông sản chủ lực giúp nhiều người dân Tuy Đức đổi đời.

Quy hoạch tổng thể được xem là bộ khung để phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Tuy Đức. Theo lộ trình đã được xây dựng, huyện sẽ bám sát các mục tiêu Nghị quyết đề ra, tiếp tục đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư ngày càng khang trang. Từ đó, tạo nền tảng để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, chế biến nông sản và thay đổi đời sống của người dân./.

Kiến Giang