Việc phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha, nhằm tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng hiếm, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là giải pháp tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ hiếm cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đang thiếu hụt hiện nay. Đồng thời, với mục tiêu đa dạng hóa cung ứng nhu cầu về nguồn nhân lực; hướng tới các thị trường mới nhằm cung ứng mở rộng sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của mạng lưới doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố; hỗ trợ cho công tác quảng bá, xúc tiến; chú trọng xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch của cả nước.
Thông qua việc trang bị, bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; các nhân viên, người lao động công tác trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM; từ đó, hỗ trợ tích cực cho đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch giao tiếp tự tin với các khách du lịch sử dụng tiếng Tây Ban Nha khi đến tham quan, trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, cũng như cung cấp, chia sẻ thêm kiến thức về văn hóa của các nước sử dụng tiếng Tây Ban Nha, và quan trọng hơn hết đó là việc cung ứng một đội ngũ lao động du lịch vừa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, nhất là đối với thị trường khách du lịch các nước Mỹ Latinh ngày càng có tín hiệu gia tăng như hiện nay.
Lớp học có số lượng học viên đăng ký hơn 180 người, bao gồm: Các cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở Du lịch; các Sở, ngành tại TP.HCM; Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Các hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã có một ngoại ngữ (Anh, Hàn…); Người lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch (cơ sở lưu trú du lịch; khu, điểm du lịch; vận chuyển; ăn uống; mua sắm…) và các sinh viên khoa du lịch chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch đang theo học tại các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn TP.HCM).
Được biết, TP.HCM hiện có trên 160.000 người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, và khoảng 1 triệu người lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ du lịch bổ trợ. Trong đó, có 7.184 hướng dẫn viên được cấp thẻ. Tuy nhiên, số lượng hướng dẫn viên du lịch sử dụng các ngoại ngữ như Hàn, Nhật, Đức, Tây Ban Nha… rất ít, khoảng 15% so với tổng số ngoại ngữ.