Cụ thể, dịch COVID-19 thật sự đã đặt ra rất nhiều thử thách, khó khăn to lớn và chưa có tiền lệ mà doanh nghiệp phải đối mặt. Trong bối cảnh này, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, điều chỉnh quy mô và phương thức sản xuất phù hợp để duy trì sản xuất, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa...
Ghi nhận thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết doanh nghiệp đã mở lại hoạt động tuyển dùng từ quý IV/2021 đến nay. Đây là dấu hiệu tích cực nên người lao động cần định vị mình trong thị trường lao động cũng như những doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực mục tiêu đển tận dụng được cơ hội tìm kiếm việc làm.
Ông Phan Kỳ Quan Triết- Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương năng động phục hồi và phát triển kinh tế. Dự báo năm 2022, Tp. Hồ Chí Minh có 280.000-310.000 việc làm nếu kiểm soát dịch và từ 255.000-280.000 việc làm nếu dịch diễn biến phức tạp.
Thị trường lao động Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2022 sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Khu vực thương mại, dịch vụ sẽ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, chiếm đến gần 66%, gồm: thương nghiệp, vận tải kho bãi, lưu trú, ăn uống, thông tin truyền thông, kinh doanh bất động sản...
Trước tác động của dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, việc không ngừng nâng cao kỹ năng và tận dụng mọi cơ hội, nhanh chóng chuyển mình để thích nghi với nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn "bình thường mới" là những yêu cầu đối với sinh viên chuẩn bị ra trường lẫn người lao động. Theo đó, hội chợ việc làm online, ngày hội việc làm online... sẽ là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và nguồn nhân lực.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (HSU) đánh giá, đối với lĩnh vực nguồn nhân lực thì hiện nay hầu hết mọi người đã quen với làm việc và học online. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực khác trong đời sống cũng được đưa lên online, nên cộng đồng xã hội đã quen với việc học online, làm việc online và cả mua bán, dịch vụ online...
Tại HSU, vừa phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) và Công ty cổ phần Công nghệ và Đào tạo YOOT, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức Ngày hội việc làm trực tuyến – Job Fair Online 2022. Đây chính là hoạt động giao lưu, kết nối nghề nghiệp online, mang đến nhiều cơ hội việc làm với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng HIU cho hay, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng tiếp nhận sinh viên mới ra trường, đồng thời nếu nhà trường là nơi "thai nghén" thì doanh nghiệp là "cái nôi" đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của nhà trường, doanh nghiệp và những đơn vị liên quan, nhất là hình thành hệ sinh thái online cho thị trường lao động sẽ mang lại cơ hội việc làm cho nhiều người lao động hơn.
Vì vậy, thông qua những Ngày hội việc làm online, các sinh viên nói riêng và người lao động nói chung ở bất cứ nơi đâu cũng có thể được tham gia tuyển dụng, mà còn được giải đáp thắc mắc từ những chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp còn cung cấp, chia sẻ về kỹ năng mềm và thông tin nguồn nhân lực ở đa dạng ngành nghề, lĩnh vực quan tâm.
Còn theo Tiến sĩ Phan Công Chính, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Đào tạo YOOT, việc phát triển và xây dựng hệ sinh thái cho thị trường lao động online là sứ mệnh mà doanh nghiệp đang hướng đến, đồng thời cũng là bệ phóng cho học sinh, sinh viên và người lao động có thể tìm được việc làm, cũng như tạo dựng sự nghiệp. Mô hình việc làm trực tuyến là một mô hình không chỉ mang lại nhiều cơ hội việc làm, mà còn tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp, nhà tuyển dụng...
Hướng đến đẩy nhanh công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh xác định năm 2022 là năm tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó "đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế".
Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cũng định hướng chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp"; trong đó, có ba mục tiêu trụ cột, gồm: đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chề tối đa tình trạng chuyển nặng, tử vong trong phòng, chống dịch; khôi phục và phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh trong an toàn, linh hoạt, hiệu quả theo phương châm "An toàn đến đâu thì mở đến đó"; đảm bảo các điều kiện, quyền tham gia sinh hoạt bình thường của người dân từ học tập, lao động, các sinh hoạt cộng đồng trong an toàn.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền thành phố sẽ đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Còn về phía doanh nghiệp, cần khắc phục khó khăn, tiếp tục thể hiện tinh thần sáng tạo, mạnh mẽ tái cấu trúc, đẩy mạnh chuyển đổi số để cùng phát triển thành phố.
Ông Phan Văn Mãi kỳ vọng, từ những khó khăn thách thức đã vượt qua, cộng đồng doanh nghiệp cùng Tp. Hồ Chí Minh quyết tâm mạnh mẽ, đạt mục tiêu phục hồi kinh tế trong năm 2022, tạo tiền đề tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng thời, phấn đấu xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành "trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á"./.