Nhân lực chất lượng cao - động lực phát triển trong thời đại kinh tế số

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh đặt ra thách thức về việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế số.
hs-tham-quan-1637240660.jpg
công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng

Phát triển nhân lực chất lượng cao còn hạn chế

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ sở nền tảng, điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao. Do đó, chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.

Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ sở nền tảng, là điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đã được chú trọng đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu.

“Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta thì chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay”, ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.

Theo thống kê, nguồn nhân lực của đất nước đang ngày càng tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.

Việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực, chất lượng còn nhiều bất cập. Thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thách thức và cơ hội đổi mới

Tại Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 17/11, các nhà khoa học, diễn giả cũng có những hiến kế, đề xuất cách tiếp cận mới, những chính sách trọng tâm, cũng như khuyến nghị giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.

Một số nội dung như Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số; cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi lao động; chuyển đổi số ngành Giáo dục... đã được đưa ra bàn thảo.

Nhận định về tác động của công nghệ đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, công nghệ đã làm biến đổi mọi yêu cầu, phương pháp tiếp cận giáo dục và phát triển nhân lực. Vì vậy, để thích ứng và bắt kịp thời đại số, ngành giáo dục sẽ thay đổi trong quá trình phát triển nguồn nhân lực; đồng thời xác định đây là trọng tâm và chiến lược quan trọng.

Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nhu cầu cấp thiết trong thời đại kinh tế số.

Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - ông Vũ Hải Quân chỉ rõ những thách thức từ cuộc cách mạng công nghệ xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, như công nghệ 5G, giao tiếp mạng xã hội; xuất hiện câu hỏi mới như ảnh hưởng của con người trong quá trình phát triển công nghệ. Những thách thức trên làm xuất hiện 5 vấn đề cần quan tâm, đó là sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của đại học; xác định đâu là kiến thức tối thiểu trong thế kỷ 21; liệu con người có đảo ngược được các quyết định của máy tính; sáng tạo và nuôi dưỡng sự sáng tạo; hành xử về những chuẩn mực đạo đức, liệu máy tính có hiểu được không?

Đề cập về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi thị trường lao động, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - bà Nguyễn Hồng Hà cho hay, tiến bộ công nghệ và chuyển đổi theo hướng xanh sạch hơn sẽ mở ra cơ hội, thay đổi tích cực nhưng đồng thời khiến thị trường lao động bị xáo trộn. Tuy nhiên, nhu cầu kỹ năng cho tương lai cần dựa vào phân tích thấu đáo hơn tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới từng ngành kinh tế.

Do đó, bà Nguyễn Hồng Hà khuyến nghị, phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng Chính phủ mà đó là trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan - những người có cùng mục tiêu tăng cường kỹ năng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam - bao gồm Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần nhạy bén và có sức chống chịu hơn; bên cạnh đó cần trao quyền quyết định lớn hơn cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch, triển khai đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần được trao quyền tự quyết lớn hơn; lấy người học làm trung tâm của giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng./.

Nguyễn Hương CTV (thực hiện)