Tại hội nghị, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 10 tháng năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, kinh tế tỉnh tăng trưởng chậm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục gặp khó khăn, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước đạt 14.200 tỷ đồng, bằng 53% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.304 doanh nghiệp, bằng 71,8% so cùng kỳ, gần 246 doanh nghiệp giải thể, hơn 685 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Theo ông Tạ Thanh Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, với sự nỗ lực và quyết tâm thực hiện của ngành ngân hàng, sau thời gian triển khai quyết liệt, đến 30/9/2021, tỉnh Đồng Nai có 10.842 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với dư nợ là 5.659 tỷ đồng; trong đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 9.510 khách hàng với dư nợ gốc và lãi là 2.940 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 1.332 khách hàng với dư nợ 2.719 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch từ 0,5% đến 2% với doanh số lũy kế đạt 199.980 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2021, dư nợ cho vay mới đạt 57.213 tỷ đồng của 25.496 khách hàng.
Lũy kế đến 30/9/2021, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho 12.493 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với tổng giá trị nợ lũy kế là 10.315 tỷ đồng; trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 10.096 khách hàng với tổng giá trị nợ lũy kế là 5.454 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 2.397 khách hàng với tổng giá trị nợ lũy kế là 4.861 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm lũy kế là 27 tỷ đồng.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ông Tạ Thanh Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai cam kết tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trên địa bàn, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch và có các biện pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch.
Ban tổ chức hội nghị cũng đã lắng nghe, ghi nhận, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn cũng như tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp Đồng Nai nhằm từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, hội nghị này chính là cầu nối giữa ngành ngân hàng và doanh nghiệp và là dịp quan trọng để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp. Qua đó, tìm cách tháo gỡ khó khăn, tiếp thu những giải pháp, những sáng kiến phù hợp để ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từng bước mở cửa lại nền kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung phát triển kinh tế, quyết tâm phấn đấu ở mức cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và định hướng năm 2022; trong đó, tỉnh xác định dành sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp./.