Kết nối giao thương khu vực miền núi cần đẩy mạnh liên kết và đa dạng thị trường xuất khẩu

Xúc tiến thương mại (XTTM) và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc (Vùng) là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tăng cường công tác XTTM, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của Vùng. Từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
ket-noi-nong-san-mien-nui-03-1713494012.jpg
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước. (Ảnh minh họa)

Thế mạnh nông lâm nghiệp tạo dấu ấn trong bức tranh xuất khẩu

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc vừa diễn ra tại tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá, thời gian qua, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước.

Cụ thể, trong 02 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản...

Lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản là thế mạnh của vùng cũng đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng. Đối với một vùng có nhiều địa phương còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ thì đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như người dân và doanh nghiệp.

ket-noi-nong-san-mien-nui-02-1713494114.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra, vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn. Đó là quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước, tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng, quy mô sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của vùng còn nhỏ lẻ, lĩnh vực công nghiệp mới tập trung chủ yếu ở một số ít địa phương có thế mạnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản tại hầu hết các địa phương trong vùng (trừ Bắc Giang, Thái Nguyên) còn tương đối khó khăn. Tính liên kết nội vùng và liên vùng còn rất nhiều hạn chế…

Với vị trí là cửa ngõ, cầu nối giao thương kinh tế quốc tế, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và Khu kinh tế cửa khẩu, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tăng lực kết nối giao thương, phát triển kinh tế cửa khẩu của Lào Cai đã và đang có những thành công nhất định.

“Lào Cai đã thu hút xuất khẩu được lượng lớn các loại nông sản, trái cây chủ lực; dịch vụ xuất nhập khẩu phát triển đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy làm gián đoạn giao thương, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Lào Cai”, ông Khánh nêu.

ket-noi-nong-san-mien-nui-01-1713494156.jpg
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông đường sắt) nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo. Trong bối cảnh đó, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cần lực đẩy từ liên kết vùng để mở rộng giao thương

Mặc dù đạt được nhiều kết quả và có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương), liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương trong Vùng còn rời rạc. Nhiều tỉnh trong Vùng nằm sát biên giới vừa là điều kiện để phát triển, nhưng cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài như buôn lậu, gian lận thương mại và các tác động trái chiều của hoạt động kinh tế cửa khẩu.

“Kết cấu hạ tầng thương mại trong Vùng chậm phát triển. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển không đồng đều, chủ yếu phát triển tại các địa phương có kinh tế phát triển”, ông Sơn nhận xét.

Bên cạnh đó, đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái cũng đã chia sẻ những vấn đề quan trọng của địa phương và của vùng như xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn; đưa Sơn La trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu của Vùng Tây Bắc; tiềm năng, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm nông lâm sản chủ lực của tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận…

ket-noi-nong-san-mien-nui-04-1713494202.jpg
Cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản chủ lực của vùng Trung du, miền núi phía Bắc qua các hoạt động xúc tiến thương mại. (Ảnh minh họa)

Để tìm kiếm những giải pháp khả thi, hiệu quả cho hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của vùng, tại Hội nghị, đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương đã tập trung bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của Vùng gồm: tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển xuất nhập khẩu những năm tới; cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của Vùng; một số giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại của vùng; các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu năm 2024 của Bộ Công Thương với vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

Để hỗ trợ, thúc đẩy Vùng có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động XTTM, phát triển xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương trong Vùng cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ, để cùng thống nhất, đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực, từ đó tham gia sâu vào các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp.

“Các địa phương, DN trong Vùng cũng cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các DN phải nâng cao năng lực để ra sân chơi lớn, bằng việc kết nối với hệ thống bán lẻ của nước ngoài để đưa sản phẩm của địa phương vào siêu thị”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị./.

Bình Châu