Phát biểu khai mạc “Phong trào tăng tốc thế hệ kỹ thuật số”, Tổng thống Jokowi hy vọng rằng Quỹ Merah Putih sẽ mang lại lợi ích cho các soonicorn (các công ty khởi nghiệp có tiềm năng phát triển và có khả năng gia nhập câu lạc bộ kỳ lân) để trở thành các công ty tốt hơn. Tổng thống Jokowi yêu cầu Bộ trưởng BUMN Erick Thohir mời gọi khu vực tư nhân và Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA) – quỹ đầu tư quốc gia của Indonesia - tham gia Quỹ Merah Putih nhằm gia tăng nguồn vốn tài trợ và hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp.
Người đứng đầu nhà nước Indonesia nhấn mạnh rằng Quỹ Merah Putih sẽ bổ sung cho sự phát triển tài năng kỹ thuật số và các yếu tố khác trong hệ sinh thái kỹ thuật số, từ đó thúc đẩy thiết lập một hệ sinh thái cộng đồng kỹ thuật số tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Tổng thống Jokowi khẳng định rằng đây là cơ hội cho Indonesia. Nền kinh tế kỹ thuật số sẽ phát triển nếu cơ sở hạ tầng của Indonesia sẵn sàng, nhân tài sẵn sàng và chính phủ sẵn sàng. Các quy định cũng sẵn sàng để xây dựng một hệ sinh thái cộng đồng kỹ thuật số.
Theo nhà lãnh đạo này, tiến trình số hóa trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống là điều khó tránh khỏi. Hệ thống thanh toán ở Indonesia hiện đã được kết nối bằng số hóa, bắt đầu từ dịch vụ thanh toán cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, các dịch vụ vận tải đến các dịch vụ ngân hàng. Ông Jokowi nhấn mạnh: “Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2021, giá trị các giao dịch tiền điện tử đã tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều tôi muốn nói là tiềm năng thị trường rất lớn. Đừng để ai đó từ bên ngoài nắm lấy cơ hội này”.
Theo ông Jokowi, hiện Indonesia sở hữu 2.319 công ty khởi nghiệp, trong đó một công ty siêu kỳ lân, 7 công ty kỳ lân và một số công ty soonicorn. Dù muốn hay không, Indonesia cần sẵn sàng cho sự tiến bộ kỹ thuật số của thế giới. Phát biểu họp báo cùng ngày, Bộ trưởng BUMN Erick Thohir khẳng định rằng Quỹ Merah Putih – được đặt tên theo màu quốc kỳ của Indonesia - sẽ tạo ra một “hệ sinh thái khởi nghiệp mới với tính chất dân tộc chủ nghĩa”. Quỹ chủ yếu sẽ tạo điều kiện cho các “soonicorn” – các start-up được định giá dưới 200 triệu USD – để đạt mức mức định giá 1 tỷ USD (mức kỳ lân).
Ông Thohir cho rằng việc người Indonesia thiếu cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước là nguyên nhân dẫn đến việc tài trợ nước ngoài tràn lan và kiểm soát các công ty khởi nghiệp của Indonesia. Bộ trưởng Thohir nhấn mạnh: "Thông qua Quỹ, chúng tôi cố gắng củng cố cam kết và khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp trong nước đóng góp vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Indonesia. Chúng ta phải ngăn chặn thị trường của mình bị nước ngoài thâu tóm và phải nỗ lực để phát triển nền kinh tế dựa vào thị trường trong nước.
Theo ông Thohir, các doanh nghiệp nhà nước cũng phải cam kết hỗ trợ các start-up trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong hệ thống kỹ thuật số, và ngăn chặn các doanh nghiệp khởi nghiệp rời sang Singapore (Xin-ga-po) và tiếp cận nguồn vốn từ các công ty nước ngoài./.