Huyện A Lưới tập trung phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị

Để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã quy hoạch 360 ha vùng trồng dược liệu tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
sam-bo-chinh-1695628029.jpg
Cây và hoa của sâm bố chính. Ảnh minh họa

A Lưới (Thừa Thiên- Huế) là một trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025. Với hơn 75% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình lắm núi nhiều dốc khiến A Lưới khó chồng thêm khó. 

Thế nhưng, chính địa hình đó đã tạo ra một A Lưới thành một tiểu vùng khí hậu đặc trưng. Được ví là “Đà Lạt” ở Bắc Trung bộ với nền nhiệt mát mẻ, đất đai màu mỡ, có nhiều lợi thế để phát triển nghề trồng cây dược liệu như sâm bố chính, cà gai leo, gừng gió, thiên niên kiện. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước.

Để phát triển tiềm năng cây dược liệu, mới đây, UBND huyện A Lưới đã quy hoạch 360ha vùng trồng dược liệu tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số theo kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025. Dự án trồng cây dược liệu quý này nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719) giai đoạn I, có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND huyện đang xét hồ sơ, chọn ra một doanh nghiệp có năng lực tham gia thực hiện dự án. Đồng thời, căn cứ vào kết quả phân tích đất, nước của Viện Nông hóa thổ nhưỡng và định hướng một số cây dược liệu có tiềm năng, phù hợp với địa điểm, dự kiến triển khai vùng trồng dược liệu quý với các loại như ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, hy thiêm, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện, sạ cạn.

Hương Lan