Cần huy động nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, từng bước xây dựng cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH.

Theo các chuyên gia, tác động của BĐKH tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Do đó, cần xem xét lại 2 vấn đề: Thứ nhất, xây dựng chương trình mang tầm quốc gia để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho ứng phó với BĐKH, quản lý sử dụng ngân sách đầu tư hiệu quả, và bảo đảm tính liên kết với các chương trình đầu tư công khác. Thứ hai là, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển rừng và năng lượng tái tạo.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020 chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA cho 144 dự án, ngoài ra bộ, ngành, địa phương còn thực hiện một số các dự án đầu tư công có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy phần lớn nguồn lực này được đầu tư cho các hoạt động thích ứng, như xây dựng hồ chứa, hệ thống thủy lợi, đê, kè, cống ngăn mặn... trong khi tỷ trọng đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính là rất nhỏ. Nhiều dự án triển khai còn chậm, chưa đạt tiến độ, mục tiêu đề ra. Quy mô một số dự án còn nhỏ lẻ, chưa tính đến yếu tố liên vùng.

Một số dự án trồng phục hồi rừng chưa phù hợp với đăng ký ban đầu. Vì vậy, rất cần một chương trình đầu tư mang tầm quốc gia để huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, do tác động của biến đổi khí hậu, năm 2020 Việt Nam đã thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, tương đương với 3,2% GDP. Nếu không có các biện pháp giải quyết thì ước tính Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 12 đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050. Báo cáo cũng nêu nhu cầu đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn này thì Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD. Vì vậy, cử tri mong muốn có chương trình đầu tư mang tầm quốc gia để huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

gioi-tre-viet-lan-toa-thong-diep-giai-cuu-rung-amazon-1667377151.jpg
Ảnh minh họa.

Lấy báo cáo của một số tỉnh có diện tích rừng lớn như Yên Bái là 63%, Bắc Cạn là 73%, Hòa Bình là 51%..., đây đều là những tỉnh có thu nhập ngân sách còn thấp và nằm trong vùng có nguy cơ cao, chịu tác động của biến đổi khí hậu, tuy nhiên người dân và chính quyền địa phương vẫn rất nỗ lực thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc phát triển rừng, bởi họ hiểu rằng việc trồng và bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sinh thủy, tăng khả năng hấp thụ cacbon, góp phần đạt được mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo các chuyên gia, rừng là phương tiện để gia tăng các biện pháp thích ứng, góp phần phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ thực vật, dòng chảy đất, giảm tác động của lũ lụt và xói mòn, nhưng rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu, mặc dù độ che phủ rừng nhận được duy trì ổn định, suy thoái rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tốt hơn để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng. Ngoài ra, cần ưu tiên hơn nữa phân bổ nguồn lực để các địa phương phát triển rừng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Thay đổi các định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu thu nhập cơ bản của người dân, cộng đồng, điều chỉnh, bổ sung các chính sách trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển hệ sinh thái rừng, làm kinh tế dưới tán rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và khai thác rừng bền vững, hạn chế thấp nhất việc khai thác trắng, khai thác sớm để cây đủ sức giữ đất, giữ nước, bên cạnh đó tăng giá trị gỗ.

Thi Nguyên (t/h)