Bến Tre: Chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh

Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Do đó, tỉnh này đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, trong đó chú trọng đến các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bến Tre là một trong 13 tỉnh/thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở hạ lưu sông MeKong, tiếp giáp với Biển Đông, được hợp thành bởi ba dãy cù lao (Cù lao Minh, Cù lao Bảo và Cù lao An Hóa) do phù sa của 4 nhánh sông lớn: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên bồi đắp. Diện tích tự nhiên là 2.360km2, với bờ biển dài 65km; cao độ địa hình các vùng đất ven sông, ven biển thấp, hệ thống sông ngòi dày đặc; kinh tế phát triển trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nên Bến Tre được đánh giá rủi ro cao do tác động BĐKH và nước biển dâng.

0ed613130a293dcc17011f60aaf1bc541-1663922846.jpg
Bến Tre đang nỗ lực xây dựng các dự án để đối phó với tình hình biến đổi khí hậu tại địa phương

Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây (từ năm 2010 đến nay) dưới tác động của BĐKH, Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thiên tai diễn biến bất thường như xâm nhập mặn, khô hạn, triều cường, sạt lở, bão tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế của tỉnh.

Cụ thể, vào cuối năm 2015 đầu năm 2016, nồng độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông từ 60 km và độ mặn từ 1 - 2‰ xâm nhập hầu như toàn bộ diện tích của tỉnh (thiệt hại 20.356 ha lúa; 458 ha hoa màu; 151.357 cây giống; 5.240 ha cây ăn trái; 1.302 ha cây công nghiệp; 1.380.115 cây hoa kiểng các loại; 1.783 ha thủy sản; 41.325 hộ dân bị thiếu nước ngọt; hoạt động của 400 doanh nghiệp, bệnh viện, khu công nghiệp).

Đến cuối năm 2019 đầu năm 2020, xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh diễn biến phức tạp, mặn xâm nhập nhanh và sâu vào nội đồng hơn đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016, độ mặn trên 4% xâm nhập đến vùng trồng cây ăn trái huyện Chợ Lách của tỉnh, và hơn 2% trên phạm vi toàn tỉnh (thiệt hại: 5.287 ha lúa Đông xuân (diện tích sản xuất ngoài kế hoạch); 168 ha rau, màu; ảnh hưởng 27.985 ha cây ăn trái, 600 ha cây giống và 1,2 triệu cây hoa kiểng các loại, 3.097,24 ha nuôi thủy sản; nước cấp từ các nhà máy nước cho người dân khoảng 5% không thể dùng nấu ăn, sinh hoạt; thiếu nước sinh hoạt là 86.896 hộ…

img-8849-1663922846.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ trao đổi với Đặc phái viên John Kerry và Đoàn công tác Hoa Kỳ về vấn đề biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Thạch Thảo).

Do đó, Bến Tre xác định ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững. Thời gian qua, Bến Tre nhận được sự quan tâm của Trung ương, các tổ chức quốc tế giúp tỉnh trong ứng phó BĐKH.

Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015 qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, giai đoạn 2015 - 2020 qua dự án Thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL do Quỹ phát triển nông nghiệp thế giới (IFAD) tài trợ và các tổ chức khác như WB, JICA,...

Đồng thời, Bến Tre cũng xác định vấn đề tài nguyên nước là cốt lõi để chủ động ứng phó BĐKH và xâm nhập mặn, Tỉnh ủy ban hành Chương trình 10-CTr/TU về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước; nguồn cấp nước ngọt thích ứng với BĐKH giai đoạn đến 2030.

Bên cạnh đó, để triển khai đồng bộ công tác ứng phó BĐKH trên địa bàn, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn năm 2021 - 2030 và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm các mục tiêu về thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia tự quyết của Việt Nam kể từ năm 2021, cũng như hướng đến mục tiêu chung, cam kết của Việt Nam tại COP26 phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Một số các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính như: Đầu tư phát triển theo quy hoạch các nhà máy phát điện gió nối lưới; nhân rộng các mô hình nông nghiệp các-bon thấp; Phát triển nông nghiệp hữu cơ: xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung; trồng bảo vệ rừng ven biển tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 2,08%; trồng cây phân tán đạt bình quân trồng 5000 ngàn cây/năm;…

Ngày 3/9 vừa qua, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry đã có buổi làm việc và khảo sát tại Bến Tre về tình hình biến đổi khí hậu. Cùng đi với đoàn có ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. HCM.
Trần Như