Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, với thổ nhưỡng và khí hậu được thiên nhiên ưu đãi cùng với kinh nghiệm canh tác của người nông dân Hưng Yên, cam Hưng Yên đã được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Trước đây cam Hưng Yên chủ yếu được trồng tại huyện Khoái Châu và Văn Giang với diện tích không lớn. Nhưng những năm gần đây, diện tích trồng cam của tỉnh đã không ngừng được mở rộng và được trồng tại 8/10 huyện thành phố với tổng diện tích khoảng 2.000 ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng cho hay, năm 2021, trong điều kiện dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu bị hạn chế, nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống người nông dân. Với tỉnh Hưng Yên, việc giao thương, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa phần nào bị hạn chế, nhưng với sự chủ động của người dân và sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đến thời điểm này nông sản, hàng hoá niên vụ 2021 của tỉnh cơ bản đã được tiêu thụ với mức giá hợp lý hạn chế được thiệt hại cho người nông dân.
Ông Nguyễn Hùng Nam hy vọng qua hội nghị này, các doanh nghiệp, thương nhân, người tiêu dùng trong cả nước sẽ có thêm thông tin về Cam Hưng Yên, các sản phẩm nông nghiệp – công nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hưng Yên để trải nghiệm, thưởng thức và ủng hộ người sản xuất, nông dân trong tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho hay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện nay đã hình thành nhiều trang trại trồng cam tương đối lớn với quy trình sản xuất, thâm canh hiện đại theo hướng an toàn, đặc biệt đã có một số trang trại thực hiện sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã có những nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong bảo quản đảm bảo chất lượng, sản lượng và các yêu cầu, tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo các nhà vườn ở Kim Động, Phù Cừ, hội nghị là cơ hội đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tiêu thụ cam, các loại quả có múi và sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của tỉnh, nhất là hàng nông sản góp phần đẩy mạnh lưu thông, mở rộng thị trường tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn về “đầu ra” cho người nông dân trong tình hình dịch COVID-19./.