Hà Tĩnh: Ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, hành tăm gặp khó trong tiêu thụ

Từng là cây mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân, nhưng hai năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, người trồng hành tăm, kiệu tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hành.
20211221-100231-1640222760.jpg
Từ diện tích trồng lúa, hoa màu không hiệu quả sang trồng hành tăm

Cây hành, kiệu, được người dân xã Thiên Lộc trồng cách đây 6 năm. Những năm qua, hành tăm được coi là cây hoa màu chủ lực và ngày càng khẳng định được hiệu quả kinh tế trên đồng đất địa phương. Toàn xã Thiên Lộc có 130 ha trồng hành tăm, với 9/10 thôn sản xuất hành. Trong đó nhiều nhất là ở các thôn: Hòa Thịnh, Trường Lộc, Đông Nam, Thiên Hương, Tân Thượng, Hồng Tân….

Hành bắt đầu được trồng từ tháng 6 hằng năm, đến tháng 9 người dân có thể thu hoạch đưa ra thị trường. Đặc biệt, hành và kiệu được thu hoạch nhiều vào dịp trước tết để phục vụ bà con dịp tết Nguyên đán. Ở đây, trung bình mỗi gia đình trồng từ 1 - 5 sào cả hành tăm và củ kiệu. Người dân nơi đây cho biết, khi chưa có dịch Covid - 19, hành được bán với giá 60 - 70 ngàn đồng/kg. Nhưng hai năm nay, dịch Covid diễn biến phức tạp, giá hành chỉ ở mức 30 - 40 ngàn đồng/kg. Lúc hành giá cao thì dễ tiêu thụ, còn giờ giá giảm mất một nửa nhưng rất khó tiêu thụ.

20211221-110324-1640223605.jpg
Người dân thu hoạch hành bán

Bà Võ Thị Hường, thôn Hồng Tân, xã Thiên Lộc lo lắng: Tôi đã trồng hành gần 5 năm nay, trồng hành mất khá nhiều thời gian và công chăm sóc. Những năm trước người trồng hành như chúng tôi rất dễ tiêu thụ. Thương lái đến tận nơi để thu mua, nay giá hành giảm, chúng tôi phải đưa đi chợ bán nhưng rất khó bán. Tính ra, làm hành chi phí lớn mà giá như hiện nay người làm hành như chúng tôi đang lỗ.

Hàng năm, sau khi thu hoạch lạc, đậu và dưa non, khoảng đầu tháng 5, người dân đi lấy lá thông rụng hoặc rơm để phủ lên đất khi làm hành. Sang tháng 6, bắt đầu làm đất, bón phân và xuống giống. Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng của hành, người dân thường xuyên phải theo dõi thời tiết để lựa chọn phương pháp chăm sóc cây theo kinh nghiệm.

Hành tăm vừa sử dụng lá, vừa sử dụng củ để làm gia vị nên người nông dân cũng lựa chọn nhiều cách canh tác. Có hộ lựa chọn gieo giống dày, đến khoảng tháng 7, tháng 8 bắt đầu thu hoạch tỉa hành để bán cây; có hộ lại lựa chọn đúc theo khóm thưa ngay từ đầu để thu hoạch hành củ. Thời điểm này, người dân trồng hành tại Thiên Lộc đang nhổ tỉa hành tươi đem bán dần, thứ còn lại làm cỏ, chăm sóc đợi ngày thu hoạch hành củ. Nhiều vùng người dân thu hoạch hành để làm đất gieo trỉa lạc.

20211221-100507-1640223671.jpg
Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, hành tăm khó khăn trong tiêu thụ

Chị Trần Thị Lý, thôn Hồng Tân cho biết: Ở đây chúng tôi trồng hành khá hiệu quả, nhưng giá cả lại bấp bênh, đầu ra không ổn định, chúng tôi cũng hi vọng chính quyền địa phương làm thế nào đó kết nối với các nhà máy, đơn vị chế biến thực phẩm… để có thị trường tiêu thụ ổn định hơn, như vậy chúng tôi mới yên tâm để sản xuất.

Trước đây, mỗi ngày có thương lái thu mua từ 4 - 5 tạ hành, ngày cao điểm khoảng 7 tạ. Số hành này được bán tại các chợ trong tỉnh cũng như chuyển đến chợ đầu mối ở Huế và Đà Nẵng tiêu thụ. Nhưng thời điểm này, thương lái lấy hàng rất dè chừng. Ông Đặng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết: Thiên Lộc có lợi thế đất cát pha rất hợp với cây hành tăm và là địa phương có diện tích trồng cây hành tăm lớn nhất huyện Can Lộc. Trước đây, toàn bộ diện tích này chủ yếu trồng lúa hoặc các loại cây hoa màu khác nhưng kém hiệu quả.

Khoảng 6 năm trở lại đây, nhờ chuyển sang trồng hành tăm đã đem lại thu nhập cho bà con từ 10 - 15 triệu đồng/sào, gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa. Hiện nay, sản phẩm hành tăm Thiên Lộc đã có chỉ dẫn địa lý và địa phương đang xây dựng hồ sơ để tham gia sản phẩm OCOP, hi vọng giá hành sẽ được như những năm trước và dễ tiêu thụ hơn./.

Nguyễn Duyên PVTT tại Hà Tĩnh