Những năm gần đây, hợp tác xã (HT) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đóng vay trò quan trọng trong việc thu hút đông đảo người dân tại địa phương tham gia. Từ đó trở thành nên kinh tế tập thể lớn mạnh, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, giải quyết công an việc làm cho đông đảo người lao động tại các vùng nông thôn.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 827 HTX nông nghiệp, với tổng số thành viên khoảng 61.990 người, bình quân 82 thành viên/HTX. Tổng số lao động thường xuyên là 17.388 người, bình quân 23 người/HTX. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố.
Từ số liệu trên cho thấy, mô hình kinh HTX nông nghiệp trong những năm gần đây đang đi đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, góp phần thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Qua đó, giúp địa phương quy hoạch được vùng sản xuất, chuyển đổi từ nền kinh tế nhỏ lẻ, manh mún, sang nền kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy kinh tế đặc biệt là các khu vực nông thôn phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay một số HTX đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, việc đầu tư phát triển sản xuất quy mô hàng hóa và việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng xuất và chất lượng sản phẩm tạo ra chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Cũng theo số liệu thống kê của Liên Minh HTX, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 63 HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Từ đó cho thấy số lượng HTX này không thể thu hút được thành viên tham gia. Bên cạnh đó, có một số HTX tiêu biểu thu hút được số đông thành viên, như: HTX Dịch vụ cơ giới hóa Đông Tiến (Đông Sơn) 121 thành viên, HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh 266 thành viên, HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) 65 thành viên...
Ông Trịnh Thanh Tùng Phó Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu các HTX nông nghiệp không thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hoạt động, chỉ phụ thuộc vào một số khâu dịch vụ công và một số dịch vụ nhỏ lẻ, thì chắc chắn sẽ khó có thể phát triển và kết nạp thành viên. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, điều hành HTX cần phải thay đổi tư duy, thể hiện cho người dân thấy được năng lực, hiệu quả trong việc kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản có thể mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân thì họ sẽ sẵn sàng góp đất, góp vốn, đăng ký tham gia vào HTX”.
Ghi nhận tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc huyện Hậu Lộc. Đây là một trong những điển hình cho mô hình HTX toàn xã, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều tham gia góp đất, góp vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Với 955 thành viên, HTX thực hiện sản xuất trên diện tích khoảng 200 ha lúa/năm và hơn 220 ha đất màu. Việc thu hút được gần 100% số hộ dân trên địa bàn xã tham gia vào HTX là một bước tiến lớn, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thu nhập của người dân. Đồng thời, thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, phát triển diện tích sản xuất cây trồng hàng hóa quy mô lớn tại địa phương. Nhờ đó, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh Thanh Hóa có 827 HTX nông nghiệp, hầu hết được đánh giá hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số HTX, không hoạt động, hoặc hoạt động mang tính cầm chừng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như tạo lòng tin cho người dân.