Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng hiện nay luôn ưu tiên lựa chọn các sản phẩm an toàn, các hợp tác xã đã thiết kế nhiều giỏ quà Tết đa dạng với những món quà là sản phẩm đặc trưng của địa phương, được chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) như: cà phê, rượu, mật ong, trà, các loại hạt... Những sản phẩm này được gói đẹp mắt, đóng giỏ hoặc hộp trang trọng, xứng tầm làm quà biếu.
Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc (Thái Nguyên) cho biết, hợp tác xã đã in ấn từ 5.000-6.000 bao bì, hộp đựng chè để đáp ứng nhu cầu làm quà tặng dịp Tết của khách hàng.
Bên cạnh các giỏ và hộp trà có giá từ 300-400 nghìn đồng, hợp tác xã cũng sản xuất các loại hộp quà và giỏ quà được làm từ các sản phẩm chè sạch cao cấp có giá từ 700.000 - 1,5 triệu đồng.
Đến nay, Hợp tác xã Khe Cốc đã tiêu thụ được 2,5 tấn chè chỉ để đóng các hộp quả, giỏ quà phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Dự kiến số lượng sản phẩm sẽ tiếp tục tăng vì thông thường từ 20 tháng Chạp trở đi, sức mua mới rộ lên.
Đại diện một số hợp tác xã cho hay, tháng 12 âm lịch luôn là thời điểm bận rộn nhất. Năm nay là năm thứ hai sản xuất kinh doanh của hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến hàng hóa tiêu thụ chậm. Thế nhưng, đây là thời điểm các hợp tác xã nỗ lực để đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập.
Khác với trước đây, người tiêu dùng thường sính ngoại để chọn đồ sắm tết như rượu, bánh hay thực phẩm thì nay hầu hết đã chú trọng đến các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền vừa gần gũi lại có giá thành hợp lý, mẫu mã bắt mắt.
Các sản phẩm này tiện dụng, có lợi cho sức khỏe, giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp để làm quà biếu tặng người thân, đối tác. Do đó, các hợp tác xã đầu tư sản xuất các sản phẩm OCOP, lên ý tưởng cho các giỏ quả, hộp quà là hoàn toàn hợp xu hướng thị trường.
Đặc biệt, ngoài các sản phẩm chế biến sẵn, nhiều hợp tác xã cũng làm các giỏ quà từ nông sản tươi được sản xuất theo quy trình hữu cơ để phục vụ khách hàng.
Nhằm kích cầu thị trường, nhiều hợp tác xã chủ động đáp ứng đơn hàng số lượng lớn, có dịch vụ giao hàng tận nơi và các chương trình chiết khấu đối với các đơn hàng có giá trị, số lượng lớn… Đặc biệt, các hợp tác xã cũng đẩy mạnh bán hàng online để khách hàng có thể chủ động sắm Tết an toàn trong mùa dịch.
Nhằm tiêu thụ thuận lợi, Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp (Đồng Tháp) đã liên kết với 60 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa các sản phẩm, giò quà, hộp quà lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso, Lotte Mart, Shopee, Lazada, Tiki và trang web của hợp tác xã.
Ngoài đưa các sản phẩm, giỏ quà Tết lên các sàn thương mại điện tử, các hợp tác xã cũng tận dụng Zalo, Facebook để đăng bài giới thiệu sản phẩm hoặc thực hiện livestream để tiếp cận khách hàng.
Để hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm và phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố cũng đang hỗ trợ các hợp tác xã mở một số điểm bán hàng.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng được hỗ trợ để có thể kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch, các điểm chợ Tết…
Gần đây nhất, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) đã phối hợp với Công ty cổ phần Siêu thị và xuất nhập khẩu thương mại Việt Nam (Vinaconex Mart) mở các gian hàng Farmday-nông sản sạch, giá tại vườn ngay tại khuôn viên Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Điều này giúp các hợp tác xã tham gia có thể đáp ứng nhu cầu thị trường Tết đồng thời góp phần bình ổn giá cả, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần./.