Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, có địa chỉ tại phường Long Hương, thành phố Bà Rịa với các ngành nghề khi mới thành lập là trồng rau, trồng lúa và nuôi tôm thâm canh.
Hiện nay, hợp tác xã đang rất thành công với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đem lại thu nhập đáng kể cho các thành viên.
Trước đây, khi mới thành lập hợp tác xã có 100 ha diện tích nuôi tôm, trải qua thời gian hợp tác xã đã tiến hành nhiều hình thức nuôi như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh trong ao đất, với các loại tôm thẻ và tôm sú.
Tuy nhiên, trước những diễn biến thất thường của thời tiết, nguy cơ về ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, khiến năng suất, sản lượng tôm nuôi không ổn định, dễ bị dịch bệnh.
Năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng đã học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và quyết định đầu tư 5 tỷ đồng triển khai nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (RAS). Thời điểm đó, đây là điểm đầu tiên công nghệ này được áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Hợp tác xã đã quy hoạch khoảng 2ha để nuôi tôm công nghệ cao và phân thành 4 farm nuôi (mỗi farm tương ứng 4 hồ nuôi), 2 ao thải và 3 ao lắng. Với công nghệ RAS, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại các chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng. Sau đó, được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hiện hợp tác xã từ nuôi 1 vụ tôm/năm trong ao đất đã tăng lên nuôi được 3 vụ/năm, năng suất đạt từ 50-60 tấn/vụ/4 fram nuôi, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng từ 15-20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu về 8 tỷ đồng từ nuôi tôm công nghệ cao.
Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng cho biết, nếu như nuôi tôm theo phương thức truyền thống trước đây, mỗi m2 hợp tác xã chỉ nuôi được 30 con, một năm chỉ nuôi được 1 vụ, với năng suất đạt từ 5-6 tấn/ha, doanh thu chỉ đạt khoảng 720 triệu đồng/năm. Thì nay, nuôi theo công nghệ cao, mật độ nuôi đã lên đến 500 con/m2. Hợp tác xã nuôi theo kiểu gối vụ, với thời gian 3,5 tháng/vụ nuôi, nên quanh năm hợp tác xã đều có tôm cung cấp ra thị trường.
Với phương thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã đã dễ dàng kiểm soát được môi trường nuôi, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm. Nhờ đó, mô hình này đã đem lại siêu lợi nhuận cho hợp tác xã. “Với 3 năm trải nghiệm nuôi theo mô hình này, tôi thấy đây là mô hình cần được nhân rộng để ngành nuôi thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng bền vững”, ông Chuyên chia sẻ.
Còn Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nông nghiệp An Nhứt, xã An Nhứt, huyện Long Điền được thành lập năm 1986 với 417 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 69 triệu đồng, diện tích sản xuất là 147ha. Sau gần 36 năm hình thành và phát triển, vốn điều lệ hiện có 500 triệu đồng, tổng nguồn vốn hoạt động hiện nay là 13 tỷ đồng, với 1.085 thành viên, diện tích có 222ha đất sản xuất giống lúa xác nhận, 3 vụ/năm.
Được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam hỗ trợ các loại giống lúa nguyên chủng thích hợp cho đồng đất địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt đã sản xuất thành giống xác nhận cung cấp cho thành viên và làm dịch vụ mua bán lúa giống. Mỗi vụ, hợp tác xã đã cung cấp giống và hướng dẫn cho bà con sản xuất từ 10 - 20ha lúa xác nhận.
Những năm gần đây, hợp tác xã có đổi mới trong sản xuất, nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất nâng lên rõ rệt, kết quả doanh thu bình quân khoảng 27 tỷ đồng/năm.
Năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt đầu tư xây dựng 1 nhà máy sấy lúa gồm 2 lò sấy với công suất 25 tấn/ngày để triển khai dịch vụ bảo quản sau thu hoạch và xây dựng 1 kho chứa lúa cho thành viên gửi lại đến khi được giá thì xuất bán. Nhờ triển khai mô hình mới đã đem lại hiệu quả hoạt động của hợp tác xã tiến triển tốt, sản xuất nông nghiệp sản lượng năng suất tăng, các dịch vụ hoạt động đều có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tỳ, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt cho biết, nhờ Ban Giám đốc hợp tác xã những năm qua đã chủ động, linh hoạt đổi mới trong khâu sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật nên các thành viên trong hợp tác xã ngày càng có thu nhập cao hơn.
Trong khâu sản xuất, Ban lãnh đạo hợp tác xã đã rất quan tâm, chăm lo đến từng thành viên về giống lúa, phân, thuốc đến khâu bảo quản lúa sau thu hoạch.
Đặc biệt, cuối năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt áp dụng mô hình liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện kỹ thuật canh tác sản xuất khoảng gần 50ha.
Quý I/2021 là vụ đầu tiên hợp tác xã áp dụng. Phía Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng đã thu mua hết số lúa của các thành viên tham gia mô hình này với giá cao thị trường hơn 200 đồng/kg.
Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt chia sẻ, đổi thay rõ nét nhất là lúa trên cánh đồng liên kết chín đều. Trong quá trình sản xuất, Tập đoàn Lộc Trời cử cán bộ kỹ thuật xuống trực tiếp trao đổi, hướng dẫn nông dân, giám sát quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Cùng với kiến thức, kỹ thuật, nông dân được sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm sức khỏe khi hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu và đặc biệt sản phẩm làm ra các thành viên tham gia mô hình liên kết không phải lo lắng về đầu ra.
Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 142 hợp tác xã. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau khi thực hiện theo Luật Hợp tác xã 2012, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã hoạt động đúng với bản chất của hợp tác xã. Các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân trong các hoạt động luôn hướng tới phục vụ thành viên, nâng cao quyền, lợi ích, trách nhiệm của thành viên với hợp tác xã.
Các hợp tác xã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra cho thành viên và nông dân.
Cụ thể, hợp tác xã đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu cho hợp tác xã và người dân.
Trong giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đưa kinh tế tập thể đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tập trung phát triển hợp tác xã đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến khích mô hình kinh tế tập thể mở rộng quy mô, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên... Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao./.