Thị trường sản phẩm Halal của Malaysia và các nước Hồi giáo tiềm năng rất lớn

Ngành công nghiệp Halal hiện đang phát triển mạnh mẽ với hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Halal toàn cầu.
1-1717151823.jpg
Ông Firdauz Othman - Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo xúc tiến thương mại xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường Malaysia và các nước hồi giáo.

Nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo, ngày 31/5/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Xúc tiến Thương mại Malaysia (MATRADE) đã tổ chức Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”.

Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Malaysia đạt 12,67 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 4,86 tỷ USD. Hai nước đang nỗ lực đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD vào năm 2030.

Malaysia hiện là thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam trong khu vực Asean. Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,9 tỷ USD. Riêng TP. Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Malaysia đạt 178,782 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp Halal hiện đang phát triển mạnh mẽ với hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới. Việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

2-1717151876.jpg
Ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội thảo xúc tiến thương mại xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường Malaysia và các nước hồi giáo.

Ông Firdauz Othman - Tổng lãnh sự quán Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Riêng về mảng thực phẩm Halal, là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, nó được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Thị trường này được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Việc này đã mang đến những cơ hội to lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal. Nhìn thấy được triển vọng thị trường, Chính phủ Việt Nam đã đặt sự quan tâm lớn đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thể tiến vào thị trường Halal toàn cầu. Rất nhiều sáng kiến và chính sách đã được đặt ra để thúc đẩy sự phát triển của ngành Halal tại Việt Nam”. 

Việc này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển và gia tăng nhu cầu về các sản phẩm Halal, không còn nằm trong giới hạn riêng về thực phẩm mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như: Thời trang Hồi giáo, tài chính Hồi giáo, mỹ phẩm, truyền thông và sáng tạo, dược phẩm cũng như du lịch thân thiện với người Hồi giáo, ngay cả một tấm nệm thân thiện với Đạo Hồi cũng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Malaysia. 

“Thị trường Halal đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày một lớn của dân số Hồi giáo trên thế giới. Dựa vào Chỉ số kinh tế Hồi giáo toàn cầu, dân số Hồi giáo được dự đoán sẽ tăng từ 1,8 tỷ người vào năm 2017 lên con số 3 tỷ người vào năm 2060. Và thị trường khổng lồ này bao gồm rất nhiều lĩnh vực như: Thực phẩm và đồ uống, tài chính, thời trang, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch và giải trí”, ông Firdauz Othman nhấn mạnh.

3-1717151919.jpg
 
4-1717151938.jpg
Đông đảo các doanh nghiệp Malaysia tham dự hội thảo nhằm tìm kiếm nguồn cung hàng hoá từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Malaysia với một hệ sinh thái Halal bao quát cho sự phát triển của ngành Halal. Hệ sinh thái này bao gồm hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng, các ưu đãi, nguồn nhân lực và hệ thống tài chính Hồi giáo, hỗ trợ bởi hiệu quả thống nhất từ các học viện của Chính phủ. Đồng thời, Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong trong ngành Halal đặc biệt là về mảng tài chính Hồi giáo và ngành lương thực, thực phẩm. Malaysia có một môi trường kinh tế thân thiện cũng như lợi thế cạnh tranh trong việc có mức độ tín nhiệm cao về việc chứng nhận Halal được chấp nhận bởi hầu hết các thị trường Hồi giáo trên toàn thế giới. 

Thông qua Hội thảo này, ITPC mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh phù hợp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ITPC mong muốn sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia ngày càng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế song phương và thúc đẩy quan hệ giao thương truyền thống giữa hai quốc gia ngày càng khăng khít và tin cậy hơn trong thời gian tới./.

Đạm Quang Lê