Những ngày này, về xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhiều con đường, ngõ xóm thông thoáng, xanh, sạch, không còn tình trạng xả thải bừa bãi hay các bãi rác tự phát, góp phần thay đổi diện mạo làng quê vùng biển. Đó là hiệu quả bước đầu thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”.

Ông Nguyễn Hữu Hoè - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng chia sẻ: “Quỳnh Bảng là một trong 4 xã thí điểm của huyện Quỳnh Lưu thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”. Mô hình này do UBND xã Quỳnh Bảng, HLH Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã phối hợp xây dưng kế hoạch và triển khai thực hiện từ cuối năm 2024 với sự tham gia của 120 hộ. Những hộ dân tham gia mô hình đều được tập huấn kiến thức thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”.
Rác thải được phân làm 3 loại: rác thải có khả năng tái chế, rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ.
Đối với rác thải có khả năng tái chế như: vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, các loại giấy tái chế, chai nhựa, pét, lon nhôm… tại hộ gia đình, các trường học sẽ được phân loại, bố trí khu vực lưu giữ, tập kết hợp lý. Hằng tuần rác thải có khả năng tái chế sẽ được tập hợp tại các chi hội, chi đoàn. Các chi hội, chi đoàn có trách nhiệm bàn giao cho công ty thu mua khi đã đủ khối lượng, thỏa thuận mức phí thu mua, lịch thu mua và hình thức thanh toán với công ty thu mua các loại rác thải có khả năng tái chế.

Đối với rác thải hữu cơ như: rau, củ, quả, thức ăn thừa… được xử lý bằng nhiều cách khác nhau. Cụ thể: Hộ gia đình có đất trống trong vườn thì xử lý rác hữu cơ bằng cách đào hố chôn lấp. Nếu hộ không có đất trống trong vườn thì bỏ rác thải hữu cơ vào thùng đựng riêng, rắc gói chế phẩm vi sinh để ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng. Ngoài ra, những hộ gia đình không sử dụng 2 cách trên thì cho vào túi bóng riêng, bỏ trong thùng đựng rác của hộ gia đình.
Đối với rác thải vô cơ như: túi nilon, nhựa chết, bỉm, xương… bỏ vào thùng rác rồi được giao cho bên đơn vị thu gom tối thiểu 1 tuần/lần (theo lịch thu của xã).
Để thực hiện xử lý rác thải tại hộ gia đình, mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 01 thùng đựng rác bằng nhựa loại 100 lít và 01 gói chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ (200g). Kinh phí mua thùng đựng rác mỗi hộ dân đóng góp 50%, UBND xã hỗ trợ 50% cùng băng rôn, khẩu hiệu và ma két tập huấn. Kinh phí mua gói chế phẩm vi sinh do Hội liên hiệp phụ nữ huyện hỗ trợ.
Mô hình này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi, thói quen của người dân về việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình cũng như trường học. Xem việc phân loại rác thải và bảo vệ cảnh quan môi trường là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân, học sinh.
Từ đó, từng bước giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt gia đình, trường học, cơ quan tại nơi tập kết, nơi xử lý rác thải tập trung, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Những hoạt động này đã phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, giáo viên trong tuyên truyền, vận động hội viên, học sinh và nhân dân nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường.

Bà Trần Thị Nga - phụ trách địa chính môi trường xã Quỳnh Bảng cho biết: “Triển khai thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” giúp tuyên tuyền hội viên giữ gìn vệ sinh từ gia đình đến nơi công cộng. Mô hình này đã cụ thể hóa quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Coi việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải là trách nhiệm, thói quen và quyền lợi của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan”.
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do tình trạng chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả đang làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình là việc làm cần thiết, nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được, góp phần bảo vệ môi trường sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, lượng rác thải hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%) là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân bổ dưỡng và thân thiện với môi trường.

Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình” tại xã Quỳnh Bảng đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm, hình thành thói quen của người dân về thực hiện thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Lượng rác thải hữu cơ đưa ra môi trường tại xã được giảm thiểu đáng kể. Giảm được áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác môi trường.
Bên cạnh đó, việc xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh giúp cho người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng, đảm bảo an toàn sức khỏe, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Hướng đến một nền "nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ" hiện nay đang được mọi người quan tâm.
Dù chỉ mới bước đầu thực hiện nhưng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình của xã Quỳnh Bảng đã lan tỏa sâu rộng, góp phần xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình đã và đang phát huy hiệu quả góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hoàn thiện vững chắc tiêu chí môi trường trong Xây dựng Nông thôn mới, hướng tới Xây dựng Nông thôn mới nâng cao./.