Hãy tìm mọi cách bảo vệ bằng được những cánh rừng ở Việt Nam

Trước việc giữ gìn rừng còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục, các ban - bộ - ngành và toàn thể người dân Việt Nam cần chung tay để giữ rừng truyền lại cho đời sau.

Ông cha ta thường nói: ”Việt Nam là một đất nước giàu tài nguyên, có rừng vàng biển bạc”. Đúng là như vậy, Việt Nam có quỹ rừng nhiệt đới quý giá với hàng chục triệu héc ta, nguồn tài nguyên này đã đem lại cho đất nước, doanh nghiệp, người dân những thứ vô cùng quý giá như: Khí hậu ôn hoà, nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt, giảm nhẹ thiên tai lũ lụt những ngày mưa bão…

Hàng chục năm nay, từ khi Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng, tài nguyên rừng nhất là ở phía Bắc từ Hà Tĩnh, Nghệ An trở ra đã được giữ gìn tương đối đảm bảo hơn, còn ở phía Nam khá nhiều tỉnh thành công tác giữ gìn rừng còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục.

Những vụ phá rừng lớn hàng chục và hàng trăm héc ta tháng nào cũng có, không tỉnh này thì tỉnh khác. Đặc biệt lưu ý là rừng ở Tây Nguyên bị phá và bị xâm chiếm lấy đất canh tác, mua bán bất hợp pháp khá nhiều. Điển hình gần đây có vụ phá rừng ở huyện E A súp (tỉnh Đắk Lắc) với 400 ha bị phá sạch.

pha-rung1-1650429234.jpg
Vấn nạn phá rừng vẫn là vấn đề nhức nhối của Việt Nam

10 năm qua, riêng tỉnh Gia Lai đã bị phá và xâm lấn đến 10.000 héc ta rừng. Lâm tặc và một số người dân cần có đất canh tác đã bất chấp pháp luật, kỉ cương chỉ vì lợi nhuận mà tìm cách phá rừng bằng mọi giá. Chỉ tiếc rằng rất ít vụ lớn được đưa ra xét xử hình sự một cách công khai minh bạch.

Để đối phó với dư luận, báo chí… chỉ có một câu trả lời cho xong chuyện của một số tỉnh đó là: “Chúng tôi sẽ điều tra xem xét và xử lý nghiêm”. Nhiều vụ phá rừng vào ban ngày một cách công khai, có những vụ địa điểm phá chỉ cách trạm kiểm lâm 1-2 km. Rõ ràng việc quản lý rừng hiện nay là bất cập, đã đến lúc không để tình trạng phá rừng tràn lan như hiện nay, nhất là khu vực phía Nam.

Dư luận cũng đặt câu hỏi: “Tại sao cũng lực lượng kiểm lâm ấy, cũng chính quyền địa phương ấy mà ở phía Bắc rừng được bảo vệ tốt hơn, còn ở phía Nam thì liên tục xảy ra các vụ lấn chiếm đất rừng, thậm chí có vụ rất nghiêm trọng?”.

Hãy củng cố lực lượng kiểm lâm trong sạch vững mạnh, dựa vào nhân dân tốt ở địa phương để bảo vệ rừng, dùng phương thức quản lý vừa bảo vệ rừng vừa có thể khai thác hợp lý những lâm sản do rừng mang lại (trồng nhân sâm, khai thác nấm,một số dược liệu quý tự nhiên trong rừng …).

Một điều quan trọng nữa là các địa phương phải đảm bảo công ăn việc làm, đời sống, thu nhập ổn định thường xuyên cho người dân, không dựa vào phá rừng để làm rẫy hoặc lấy đất rừng để mua đi bán lại thu lợi nhuận bất chính.

Muốn làm được điều này trước hết là vai trò quan trọng, trách nhiệm chính của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp Việt Nam và chính quyền các địa phương có rừng. Các Bộ cần tham mưu cho Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương đề ra những chính sách khoa học thiết thực và hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Rừng vàng có giữ được hay không chính là ở luật pháp kỉ cương, là vai trò của cán bộ và con người tổ chức thực hiện. Phải sát dân, gần quần chúng có trách nhiệm ở các địa phương để bảo vệ rừng. Không được đổ lỗi khách quan khi rừng bị phá hoại. Khen thưởng động viên những tổ chức, cá nhân kiên quyết bảo vệ rừng, nhân rộng các mô hình tiên tiến đã có ra toàn quốc để góp phần vào công tác bảo vệ rừng.

Hãy nghiên cứu học tập công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở các nước tiên tiến như Ý, Đức, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Singapore để bảo vệ rừng ở Việt Nam một cách hiệu quả hơn. Thế hệ con cháu tương lai của chúng ta đang trông chờ tinh thần trách nhiệm, hành động kiên quyết, nhanh chóng, hiệu quả để bảo vệ rừng Việt Nam đang bị sa sút khá nghiêm trọng.

Rừng nguyên sinh là một tài nguyên quý giá không để bị biến mất, bởi sau này nếu rừng không còn thì chúng ta có hàng tỷ đô la cũng không thể tái sinh lại những cánh rừng nguyên sinh quý giá như vàng ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn dân chúng ta tin tưởng rằng rừng Việt Nam sẽ hồi sinh và giữ vững để phục vụ cho muôn đời sau, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sống lâu bền cho đất nước.

Theo Tạp chí điện tử Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam