Hậu Giang thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, trong thời gian tới tỉnh thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Từ đó, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng, thực phẩm toàn cầu. Góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của tỉnh Hậu Giang, nhằm đáp ứng các quy định của các thị trường xuất nhập khẩu.

Theo đó, tỉnh sẽ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

vnpanh-4-thu-hoach-dua-2-1638937284.jpg
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, trình ban hành các chính sách hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, vận chuyển đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh. Đồng thời, Hậu Giang sẽ phát triển nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ trên cơ sở nhu cầu của xã hội, thị trường lao động, đáp ứng được các yêu cầu trong thực hiện các nhiệm vụ xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh.

Nhất là tỉnh sẽ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu thích ứng biến đổi khí hậu, nhân rộng mô hình, dự án sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ,.... đối với các cơ sở sản xuất ban đầu trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu trên địa bàn tỉnh 100% các cơ sở sản xuất chế biến, bảo quản thực phẩm quy mô công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến, như GMP/SSOP, HACCP, ISO 22000,... Cũng như đảm bảo đầu ra các sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh, được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu theo quy định của các thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, hỗ trợ và xây dựng đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ trong nông nghiệp như công nghệ sau thu hoạch, công nghệ bảo quản, dự trữ,... hàng nông lâm thủy sản để đảm bảo an toàn thực phẩm phụ vụ xuất khẩu. Và xây dựng các chương trình, dự án phát triển chế biến sâu, chế biến tinh đối với từng sản phẩm nông lâm thủy sản đáp yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, tỉnh thu hút và ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng, các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản, đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế,...

Tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh ước đạt khoảng 630 triệu USD đến 638 triệu USD. Trong số đó, nhóm thủy sản chế biến chính đạt 450 triệu USD, rau quả đạt 23,5 triệu USD, gạo đạt từ 2,5 triệu USD đến 3,5triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 2 triệu USD đến 3 triệu USD, giấy va các sản phẩm từ giấy đạt từ 152 triệu USD đến 158 triệu USD.

Khoảng 10% sản phẩm nông lâm thủy của tỉnh xuất khẩu phấn đấu được gắn thương hiệu quốc gia; 50% sản phẩm xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc và khoảng 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến và chế biến sâu./.