Hành trình trở về của chiếc mũ cối huyền thoại

Sau chiến tranh, nhiều cựu binh Mỹ đã sang Việt Nam trao trả lại cho thân nhân gia đình liệt sĩ những kỷ vật họ thu lượm được của những người lính Việt Nam trên chiến trường. Trong số những kỷ vật ấy có chiếc mũ cối của liệt sĩ Bùi Đức Hưng (quê quán xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ).
49d3072845t173099l2-1658637444.jpg
Chiếc mũ cối của liệt sĩ Bùi Đức Hưng hiện nay do Bảo tàng Quân khu 2 bảo quản

46 năm kể từ trận đánh ác liệt ở căn cứ Đức Lập, tỉnh Đắc Nông, 18 cựu binh Mỹ đã sang quê hương Tam Nông, trực tiếp trao trả chiếc mũ cối của liệt sĩ Hưng với tất cả sự cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của anh. 

Liệt sĩ Bùi Đức Hưng sinh năm 1939, trong một gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, trải qua tuổi thơ chịu nhiều đắng cay, vất vả, rồi may mắn được một gia đình khá giả nhận làm con nuôi. Anh Hưng được bố mẹ nuôi cho đi học đến lớp 4, sau khi trưởng thành, lấy vợ và sinh con, anh đi làm công nhân ở nông trường Tam Thắng (Tam Thanh, Vĩnh Phú) và được kết nạp Đảng.

Tháng 5 - 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Bùi Đức để lại người vợ hiền và đứa con thơ lên đường vào Nam chiến đấu, biên chế tại Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 1. Đầu tháng 8/1968, đơn vị được lệnh tiến công quận lỵ Đức Lập, căn cứ Đắc Sắc, tỉnh Đắc Nông. Sau gần 10 ngày chiến đấu anh dũng, đơn vị anh loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, trong đó có 15 cố vấn Mỹ; tiêu diệt 20 đại đội, bắn rơi 14 máy bay địch (Tư liệu do Bảo tàng Quân khu 2). Tuy vậy, quân ta cũng chịu nhiều thiệt hại và Bùi Đức Hưng hy sinh trong trận này.

Hoàn cảnh hy sinh của liệt sĩ Hưng hết sức oanh liệt. Theo lời kể của cựu binh Mỹ John Wast, người trực tiếp tham gia trận đánh cho biết: Suốt 3 ngày đêm bộ đội Việt Nam đấu súng với quân đội viễn chinh Mỹ, khi tất cả đồng đội đã ngã xuống, chỉ còn một mình người lính Cộng sản ấy chiến đấu với chúng tôi đến khi hy sinh. Sau đó, tôi tiến đến lật chiếc mũ cối lên để xem mặt người lính dũng cảm, bên trong chiếc mũ cối găm 11 vết đạn có khắc một cành cọ và con chim bồ câu đang sải cánh bay. Lúc này, tôi mới biết hóa ra những người bên kia chiến tuyến cũng yêu hòa bình như bao người khác.

49d3072845t173099l5-1658637534.jpg
Các cựu binh Mỹ trao trả chiếc mũ cối cho gia đình liệt sĩ Bùi Đức Hưng (ảnh do gia đình liệt sĩ cung cấp).

Sau đó, John Wast đã mang chiếc mũ cối ấy về Mỹ, nâng niu như kỷ vật để nhắc nhở bản thân phải trân trọng cuộc sống sau chiến tranh. Cùng đi với John Wast sang Việt Nam, có 17 cựu binh Mỹ cùng với sự ăn năn, hối tiếc và cầu mong được tha thứ.

Khi kể lại những ký ức về người cậu của mình, ông Bùi Đức Dục (khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) không khỏi nghẹn ngào: “Có lẽ chỉ đến khi hết đạn, ông ấy mới chịu ngã xuống”. Hiện nay, ông Dục là người chịu trách nhiệm thờ cúng liệt sĩ Bùi Đức Hưng. Ông chỉ có mong mỏi là tìm được hài cốt liệt sĩ Hưng, mang về an táng tại quê nhà. Sự hy sinh của liệt sĩ Hưng và đồng đội là biểu tượng cao đẹp cho cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ độc lập tự do của nhân dân Việt Nam.

Trước khi rời khỏi Việt Nam, những cựu binh Mỹ đã ngỏ ý muốn góp chút công sức và đã tài trợ xây dựng cổng làng Hương Nộn. Cổng làng khang trang, đẹp đẽ sẽ là sợi dây kết nối tình đoàn kết, hữu nghị của hai đất nước, hai dân tộc cùng vững bước tiến tới tương lai./.

Thùy Trang