Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá, báo cáo của các lãnh đạo bộ, ngành đã chỉ rõ thực trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) hay thậm chí sử dụng hình ảnh y bác sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo diễn ra rất phức tạp trên mạng xã hội. Các cơ quan liên quan đã phát hiện và xử phạt hàng trăm vi phạm về vấn đề này.
Theo báo cáo của TS Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, đơn vị đã xử lý 285 trường hợp vi phạm về quảng cáo TPBVSK.
Hàng loạt các vi phạm phổ biến như: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh; Sử dụng danh nghĩa hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm như thuốc, thần dược; Quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; Quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm; Quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng ca sĩ, diễn viên, người của công chúng để quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quảng cáo thực phẩm chức năng khá đầy đủ và chặt chẽ nhưng thực trạng này vẫn diễn ra công khai. Một trong số những nguyên nhân khách quan có thể kể đến là ý thức chấp hành của một số doanh nghiệp, người tiêu dùng trong vấn đề sản xuất, mua bán và sử dụng các sản phẩm, cũng như tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã vô tình tiếp tay cho các hoạt động sai phạm về quảng cáo TPBVSK.
Điều này đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, các bộ, ngành, các đơn vị liên quan cần đưa ra những đề xuất trong việc quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với mặt hàng này.
Cùng với đó, người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn, tìm hiểu thật kỹ các thông tin về các sản phẩm này để bảo vệ cho sức khỏe của bản thân cũng như người thân trong gia đình./.