Thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) từ lâu được biết đến là làng trồng cây trầu không. Nhờ trồng trầu không mà người dân nơi đây có thu nhập khá, phát triển kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học. Cây trầu không đang được người dân, chính quyền địa phương chú trọng phát triển, mở rộng quy mô và diện tích.
Theo những cụ cao tuổi nơi đây, nghề trồng cây trầu không đã có tại địa phương từ rất lâu, khoảng hàng trăm năm trước. Song, có một khoảng thời gian nghề trồng cây trầu không còn được người dân mặn mà nữa. Nhưng những năm gần đây, nhiều hộ dân đã trồng lại và phát triển loài cây này. Hiện nay, trầu không là một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế.
Vừa hái trầu, bà Nguyễn Thị Phú, thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn cho biết: "Chúng tôi ở đây, chủ yếu là làm nông nghiệp, đất đai cằn cỗi nên thu nhập hầu như không có. Từ xa xưa, ông bà đã trồng cây trầu này, nhưng chủ yếu là để phục vụ trong gia đình. Những năm qua, do trầu không bán được nên tôi cũng như người dân nơi đây nhà nào cũng trồng cây trầu không để bán. Cũng nhờ cây trầu này mà chúng tôi có điều kiện cho con cái đi học, sửa sang nhà cửa".
Những năm qua, nhiều gia đình tại địa phương đã thoát nghèo nhờ loài cây này.
Cây trầu có thể cho thu hoạch quanh năm. Nhưng cao điểm nhất từ trước và sau tết nguyên đán. Cây trầu không trồng từ 6 tháng - 1 năm là bắt đầu cho thu hoạch. Cây càng nhiều năm thì cho thu hoạch càng nhiều, khuôn khổ lá càng đẹp, chất ượng càng tốt.
Tùy từng thời điểm, nhu cầu của khách hàng mà người dân hái lá trầu cho kịp cung cấp. Cứ buổi chiều người dân đi hái, đến gần tối sẽ có thương lái đến tận nhà thu mua, hoặc họ tự đưa đi các chợ để bán.
Trầu thường được bán thành từng xấp 50 lá, với giá 4.000 - 5.000 đồng/xấp vào những ngày bình thường, còn dịp Tết, ngày lễ giá trầu có thể tăng lên tùy thời điểm.
Chị Phạm Thị Hiền, thôn Văn Sơn tâm sự: "Tuy giá trầu không cao như những loại cây cối khác, với đặc điểm đất đai tại địa phương thì cây trầu mang lại hiệu quả hơn những loại cây khác. Việc bán trầu cũng mang lại thu nhập cho người trồng trầu tương đối ổn định và thường xuyên".
Để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, người trồng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3 - 5 lá. Cây trầu được bón phân chuồng 2 lần/năm.
Ông Phạm Công Ngữ (80 tuổi, thôn Văn Sơn) chia sẻ: “Việc trồng và chăm sóc cây trầu tuy dễ mà khó. Dễ bởi cây trầu sống khỏe, cho lá quanh năm, ít sâu bệnh, một gốc trầu có thể cho thu hoạch trên chục năm. Nhưng muốn có được những lá trầu vừa to đẹp, thơm ngon thì không phải ai cũng rành kỹ thuật chăm sóc”, ông nói.
Việc trồng trầu có rất nhiều công đoạn. Những vùng đất trồng trầu, không được ngập nước, nhưng cũng không thể thiếu nước. Đất được xới nhuyễn, lên luống và rải phân, sau đó đóng cọc để làm chỗ dựa cho cây trầu leo lên. Cọc trầu cao khoảng 3 - 4 m, bằng cây tre hoặc các loại cây gỗ.
Những ngày nắng nóng, người trồng trầu vừa phải tưới nước, vừa phải dùng các vật dụng để che chắn cho cây trầu như: lá cọ, dùng lưới để che nắng và phải che gốc để giữ ẩm cho đất.
Trao đỏi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hoài Thương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà chia sẻ: "Tại xã Đỉnh Bàn, hiện có hơn 200 hộ dân làm nghề trồng trầu, với diện tích hơn 2ha, trong đó chủ yếu tập trung ở thôn Văn Sơn. Cây trầu vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân vừa giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, cây trầu không được chọn làm một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế tại địa phương. Thấy được hiệu quả từ cây trầu không nên nhiều hộ gia đình cũng chủ động phát triển tại vườn hộ".
Theo chính quyền và người dân nơi đây, Trầu không ở xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon từng được ví là trầu "tiến vua" nên được thương lái gần xa ưa chuộng và luôn tìm đến tận vườn thu mua.
Với truyền thống lâu năm, chất lượng trầu thơm ngon nức tiếng, làng trồng trầu không thôn Văn Sơn đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghề truyền thống Việt Nam.